02/12/2017 - 14:59

“Màu của nước” - Vượt qua rào cản chủng tộc 

“Màu của nước” là tự truyện của nhà văn Mỹ James McBride, kể về cuộc đời đặc biệt của mẹ ông và gia đình ông. Câu chuyện khai thác sâu về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, nhưng thấm đẫm tình cảm gia đình, niềm tin tôn giáo và nghị lực vượt khó vươn lên.
Sách do NXB Phụ nữ phát hành năm 2017 qua bản dịch của Nguyễn Bích Lan.

“Màu của nước” ra mắt bạn đọc Mỹ năm 1995. Tác phẩm nằm trong danh sách “Sách bán chạy nhất” của tờ New York Times suốt 100 tuần, từng được trao giải thưởng Anisfield-Wolf Book Award  năm 1997 cho tác phẩm văn học xuất sắc. Đến nay, tác phẩm bán được 2,5 triệu bản trên toàn thế giới, được dịch ra 16 thứ tiếng và xuất bản ở 20 nước.

Tác giả James McBride lớn lên trong gia đình có 12 anh chị em, cha là người da đen còn mẹ là người da trắng. Từ nhỏ, ông luôn thắc mắc tại sao mẹ lại khác biệt với tất cả thành viên trong gia đình và cả cộng đồng người da đen. Và bất cứ câu hỏi nào liên quan đến quá khứ, mẹ ông đều không muốn trả lời. James McBride đã mất 14 năm để “khai quật chuyện đời lạ lùng của mẹ” để viết “Màu của nước”.

Tác phẩm gồm 26 chương, được viết xen kẽ: sau một chương lời kể của người mẹ về cuộc đời của bà thì chương tiếp theo là hồi ức của chính tác giả.  Ngoài nguồn tư liệu phong phú, sống động, “Màu của nước” còn thu hút bằng  giọng văn tự sự chân thực, hóm hỉnh và không kém phần sâu sắc.

Mẹ của tác giả là con gái một giáo sĩ Do Thái chính thống kết hôn với một người đàn ông da đen vào năm 1942 ở Mỹ. Thời điểm đó, nạn phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và da đen còn rất lớn. Do đó, khi mẹ ông bất chấp mọi luật lệ để đi theo tiếng gọi của tình yêu, bà đã bị gia đình, họ hàng xem như người đã chết, cắt đứt mọi quan hệ và từ chối giúp đỡ khi gặp khó khăn. Về sống trong cộng đồng người da đen, bà lại chịu sự kỳ thị, dè bỉu, coi thường của số đông mọi người… Thế nhưng, bỏ ngoài tai tất cả những thị phi, vượt qua những khó khăn về kinh tế, bà một lòng xây đắp, vun vén hạnh phúc gia đình. 16 năm sau, chồng bà ra đi vì bệnh ung thư để lại bà cùng 8 người con. Trong lúc đau khổ, suy sụp tinh thần, bà gặp được người đàn ông da đen tốt bụng, yêu thương, động viên, giúp đỡ bà mọi mặt. Hai người nên nghĩa vợ chồng, sinh thêm 4 đứa con. 14 năm sau, bệnh tật một lần nữa cướp đi người bạn đời thứ hai. Một mình bà tiếp tục gồng gánh, lo cho đàn con ăn học nên người. 12 người con của bà đều tốt nghiệp đại học, sau đại học, trở thành những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, giáo viên, nhà văn, nhà báo….

Chân dung người mẹ trong tự truyện không được tô hồng mà được khắc họa rất chân thật với những ưu, khuyết điểm và cả những sai lầm trong cuộc đời. Nhưng bà trở nên vĩ đại bởi đã vượt qua mọi rào cản của chủng tộc, của nghèo khó để sống và tin vào tình yêu, bằng sức mạnh của ý chí, của đạo đức và đặc biệt là tri thức. Bà rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái và yêu cầu các con phải dồn hết sức cho việc học. Bản thân bà cũng học đại học ở tuổi ngoài 60, khi con cái đã lớn khôn, không còn gánh nặng gia đình. Sau đó, bà trở thành nhân viên xã hội để giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp khó khăn.

Tự truyện đã góp phần khẳng định: Mọi phân biệt, kỳ thị không thể ngăn cản tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sức sống trong mỗi con người.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết