Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 452 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt và 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội). Theo đó, Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính (ÐVHC), tổ chức chính quyền địa phương (CQÐP).

Bảo hiểm xã hội các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ dự hội nghị trực tuyến đóng góp dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ðiều 110 của Hiến pháp năm 2013 quy định ÐVHC của nước ta gồm trên 10 loại với tên gọi khác nhau thuộc 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Mô hình tổ chức CQÐP 3 cấp đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong các giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị quốc gia và địa phương, việc tổ chức ÐVHC theo 3 cấp đã bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng ÐVHC. Việc duy trì cấp chính quyền trung gian làm cho các mệnh lệnh quản lý từ chính quyền cấp tỉnh xuống tới cấp xã bị cắt khúc, triển khai chậm, không phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 Hội nghị lần thứ 11 đồng ý chủ trương tổ chức CQÐP 2 cấp; kết thúc hoạt động của ÐVHC cấp huyện từ ngày 1-7-2025. Trên cơ sở đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Ðiều 110 như sau: các ÐVHC của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ÐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. ÐVHC - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc xác định các loại ÐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia ÐVHC, điều chỉnh địa giới ÐVHC do Quốc hội quy định. Quy định này sẽ tạo điều kiện để tiếp tục cụ thể hóa mô hình ÐVHC và CQÐP 2 cấp tại Luật Tổ chức CQÐP (sửa đổi).
Thể chế hóa kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức CQÐP cấp tỉnh, cấp xã có HÐND và UBND, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định tổ chức CQÐP gồm HÐND và UBND; không sử dụng thuật ngữ “cấp CQÐP” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức CQÐP, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính CQÐP; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Cơ bản giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của HÐND và UBND cấp tỉnh, cấp xã như hiện nay.
Tại khoản 2, Ðiều 115, Hiến pháp năm 2013 đang quy định đại biểu HÐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân. Thực tế hiện nay, việc chất vấn đối với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân chỉ thực hiện tại HÐND cấp tỉnh, cấp huyện. Sắp tới, thực hiện chủ trương của Ðảng về kết thúc hoạt động của ÐVHC cấp huyện sẽ không tổ chức Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện mà thay thế bằng các Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực không gắn với một ÐVHC cụ thể nên sẽ không có HÐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Ðiều 115, Hiến pháp năm 2013 theo hướng không quy định Chánh án Toà án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HÐND. Việc chất vấn của đại biểu HÐND sẽ tập trung vào UBND (chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế. Tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HÐND đối với Chánh án Toà án Nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân song HÐND vẫn thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó bao gồm giám sát hoạt động của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và của các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn. Ðại biểu HÐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương (trong đó có Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân ở địa phương) và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. Do đó, vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN