|
Tổng thống Sarkozy (phải) và Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, hai nhân vật lâu nay ráo riết vận động cho việc thành lập Liên minh Địa Trung Hải. Ảnh: AFP |
Có lẽ ý tưởng lớn nhất mà Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn hiện thực hóa trong 6 tháng giữ cương vị chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) là thành lập Liên minh Địa Trung Hải. Cuối tuần này, tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ven bờ Địa Trung Hải ở Paris, ông Sarkozy sẽ khởi động việc thành lập một liên minh dự kiến gồm tới hơn 40 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nỗ lực liên kết 17 nước gồm Mauritanie, Maroc, Algérie, Tunisie, Libye, Ai Cập, Jordanie, Palestine, Israel, Syrie, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Albanie, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro và Monaco với EU, theo báo New York Times (Mỹ), cũng giống như các ý tưởng khác của ông Sarkozy, gặp rất nhiều trở ngại khi triển khai thực hiện.
Thật ra, Liên minh Địa Trung Hải chỉ là “phiên bản nâng cấp” của “Tiến trình Barcelona”, được EU khởi động 13 năm trước nhằm giúp các nước Hồi giáo nằm trên vành đai phía Nam Địa Trung Hải phát triển kinh tế, và làm “cầu nối” giữa Israel với thế giới A-rập. Tuy nhiên, tiến trình Barcelona cuối cùng cũng thất bại như tiến trình Oslo về kiến tạo hòa bình giữa Israel và Palestine.
Những người phản đối cho rằng nội bộ Liên minh Địa Trung Hải sẽ hết sức phức tạp, rối ren do các nước thành viên vừa khác biệt về hệ thống chính trị, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, tôn giáo... vừa tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa các quốc gia thù địch như Syrie và Palestine với Israel, hay Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước A-rập mới đây kêu gọi “làm rõ những hậu quả” khi Israel gia nhập liên minh này, bởi họ cho rằng điều đó giống như việc buộc thế giới A-rập mặc nhiên thừa nhận Israel “cùng hội cùng thuyền” với mình. Theo các nhà lãnh đạo A-rập, Israel phải rút khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine trong cuộc chiến tranh năm 1967, trước khi nói tới việc bình thường hóa quan hệ.
Mặc dù Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chấp nhận lời mời của ông Sarkozy tham dự hội nghị tại Paris vào cuối tuần này, nhưng hiện Ankara còn do dự về việc liệu có tham gia liên minh hay không. Thổ Nhĩ Kỳ hoài nghi việc thành lập Liên minh Địa Trung Hải có thể là nỗ lực của Pháp nhằm ngăn cản nước này trở thành thành viên của EU. Cần nhắc lại là Tổng thống Sarkozy luôn phản đối việc EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ muốn xem Thổ Nhĩ Kỳ là một “đối tác đặc biệt”.
Bên cạnh đó, do Liên minh Địa Trung Hải sẽ sử dụng ngân sách của EU, trong khi ban đầu Đức - vốn là nước đóng góp hàng đầu - bị loại khỏi liên minh, nên Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo EU đầu tiên phản đối. Tổng thống Sarkozy cuối cùng phải nhượng bộ Đức bằng cách mở rộng liên minh cho tất cả thành viên EU. Đức cũng không tán thành quan điểm đồng chủ tịch liên minh (dự kiến Pháp và Ai Cập sẽ làm đồng chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên) vì cho rằng nó chứa đựng nguy cơ chia rẽ liên minh theo địa lý.
Với hàng loạt vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên, Liên minh Địa Trung Hải nếu được khai sinh liệu có thể tồn tại và phát triển?
N.MINH (Theo NYT, Newsahead, AFP)