15/10/2009 - 08:37

“Gió thổi về Đông”

Thủ tướng Ôn Gia Bảo (trái) đón tiếp Thủ tướng Nga Vladimir Putin, duyệt đội danh dự.
Ảnh: AFP

Trong một loạt thông cáo đưa ra sau khi Thủ tướng Vladimir Putin kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh hôm qua 14-10, Nga và Trung Quốc cam kết thúc đẩy “đối tác chiến lược” và phác thảo quan hệ gần gũi giữa hai nước trong tương lai. Trong khi đó, theo nhà phân tích Zachary Karabell trong bài viết có tựa đề “Gió thổi về Đông” đăng trên báo Bưu điện Huffington (Mỹ) ngày 13-10, siêu cường số một thế giới vẫn đang “loay hoay” với chương trình cải cách y tế nội địa và tìm lối thoát cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga Putin, lãnh đạo hai nước đã ký Hiệp ước trao đổi kế hoạch phóng tên lửa. Tuy hiệp ước được xem là bước tiến mới hướng tới thiết lập sự tin cậy lẫn nhau, nhưng quan trọng hơn cả là hàng loạt thỏa thuận thương mại song phương trị giá hơn 6 tỉ USD.

Với Nga, Trung Quốc là thị trường lớn đang phát triển, so với thị trường truyền thống Liên minh châu Âu (EU) vốn đã bão hòa. Do đó, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất châu Á này sẽ là cần thiết để Nga đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng. Tổng giá trị các thỏa thuận dầu khí mà Nga đã ký với các công ty Trung Quốc trong năm nay lên tới 100 tỉ USD.

Với Trung Quốc, Nga là nhà cung cấp nguyên liệu thô và một số thiết bị công nghệ cao quan trọng. Trung Quốc vừa đồng ý ứng dụng công nghệ của Nga để xây dựng thêm 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Điền Loan. Hai bên cũng đang bàn cách thức trao đổi thương mại bằng đồng nhân dân tệ và đồng ruble, thay cho đồng USD. Thương mại giữa hai nước đạt khoảng 60 tỉ USD/năm.

Nhà phân tích Roland Nash, một chuyên gia về kinh tế đang làm việc ở Mát-xcơ-va, cho rằng Trung Quốc là tương lai kinh tế của Nga. Nếu quan hệ này tốt đẹp, nó sẽ đóng góp rất lớn cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Có thể nói, Trung Quốc đang nổi lên như cường quốc mới trong nền kinh tế toàn cầu, và có kế hoạch dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào dòng vốn và thị trường Mỹ dù thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay gấp 5 lần so với giữa Nga và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Nga hôm 13-10, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thất bại trong việc thuyết phục Mát-xcơ-va ủng hộ nghị quyết mới trừng phạt Iran. Mỹ xem Nga có vai trò quan trọng trong việc trừng phạt Iran vì Mát-xcơ-va có liên hệ địa chính trị với Tehran. Nhưng việc từ chối của Nga, theo các nhà phân tích, có thể do ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đã đầu tư mạnh vào nguồn dầu khí của Iran.

Cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan, Iraq và tham vọng hạt nhân của Iran là những vấn đề quan trọng, nhưng không vấn đề nào trong số đó có thể định hình tương lai nước Mỹ và thế giới hơn so với sự vươn lên của Trung Quốc. Thế nên, theo Zachary Karabell, nếu Mỹ muốn giữ vai trò trung tâm kinh tế toàn cầu trong vài thập niên tới, cách duy nhất là “cuốn theo gió Đông”.

N. MINH
(Theo Huffingtonpost, Reuters, THX)

Chia sẻ bài viết