06/07/2008 - 08:09

“Giải cứu nông trại”

Hình ảnh các tình nguyện viên đến từ khắp mọi miền đất nước miệt mài trồng đậu nành trên mảnh đất tan hoang của mình khiến Damian và Martha Kappenman rơi nước mắt. Trận lốc xoáy kinh hoàng tháng 8-2006 trong phút chốc đã biến nông trại của gia đình Kappenman ở bang Bắc Dakota thành bình địa. Không còn vốn liếng để làm lại từ đầu, vợ chồng Damian đôi ba lần tính đến chuyện cho thuê lại khu đất và từ giã cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. May thay, Farm Rescue (Giải cứu nông trại) xuất hiện. Tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ nông dân bị bệnh hoạn, thương tật và thiên tai, canh tác và thu hoạch mùa vụ này đã giúp nhà Kappenman “hồi sinh” nông trại của mình sau cơn khốn đốn. “Nếu không có sự trợ giúp của Farm Rescue, chúng tôi chắc đã từ bỏ nghề nông”, Damian Kappenman tâm sự với phóng viên AP.

Thoát chết sau một tai nạn trong lúc vận hành máy móc ở nông trại, Richard Olson đau đớn khi bác sĩ cho biết anh có khả năng phải nằm một chỗ suốt đời. Điều này có nghĩa trang trại trồng đậu nành và bắp của anh không còn ai trông coi. Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào, có người kể với anh về Farm Rescue. Olson liền gửi đơn xin trợ giúp, và chưa đầy 2 tuần sau thì Farm Rescue tìm đến. Hiện Olson đang chờ thu hoạch hơn 1.000 héc-ta bắp và đậu nành do các tình nguyện viên Farm Rescue canh tác. Hay như nông trại 700 héc-ta của gia đình Brent Strand ở Jamestown, Bắc Dokata, đứng trước nguy cơ không xuống giống kịp vụ đậu nành vào hè này sau khi Strand bị đột quị hôm tháng 4. Khi biết hoàn cảnh này, Farm Rescue đã huy động lực lượng và đưa máy móc tới ngày đêm dọn đất, đào xới và sau 2 tuần đã trồng giúp được gần 300 ha đậu nành. Strand là nông hộ thứ 18 trong tổng số 28 nông hộ nhận được sự trợ giúp kịp thời của Farm Rescue từ đầu năm đến nay.

 Với những lợi ích mang lại cho cộng đồng, Farm Rescue được Bộ Nông nghiệp Mỹ tặng giải thưởng “Chương trình sáng tạo trong năm”, và Bill Gross (ảnh) được đài truyền hình CNN tuyên dương là “Anh hùng vì cộng đồng” năm 2008. Ảnh: CNN

“Cha đẻ” của Farm Rescue là Bill Gross, tay lái máy bay làm việc cho hãng dịch vụ chuyển phát nhanh UPS danh tiếng của Mỹ. Mang trong mình dòng máu nông dân và bản thân cũng có một nông trại ở Bắc Dakota nên khi chứng kiến cảnh nhiều nông dân vì hoàn cảnh ngoài ý muốn phải từ bỏ ruộng vườn, Gross nảy ý định giúp đỡ họ bằng chính tiền túi và thời gian nghỉ phép giữa những chuyến giao hàng khắp thế giới của mình. Thời gian đầu, Gross đơn thân độc mã “giải cứu nông trại” với phương châm “giúp sức, chứ không giúp tiền”.

Không lâu sau, được bạn bè, đồng nghiệp và gia đình khuyến khích, Gross, 43 tuổi, đứng ra lập Farm Rescue và kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và tình nguyện viên. Năm đầu tiên (2006), chương trình thu hút được 5 nhà tài trợ và một số nông dân tình nguyện tham gia giúp đỡ cho 10 nông hộ nguy khốn. Dần dà, Farm Rescue phát triển thành một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận có hội đồng quản trị; hơn 100 nhà tài trợ là các công ty cung cấp trang thiết bị, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng; mạng lưới tình nguyện viên gồm 50 người và nguồn quỹ hoạt động hơn 200.000 USD (gần 3,2 tỉ đồng). Đến nay, Farm Rescue đã “giải cứu” cho hơn 60 nông trại ở các bang Bắc Dakota, Minnesota và Montana thuộc vùng Trung Tây nước Mỹ.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết từ năm 1910 đến nay, số nông trại ở nước này đã giảm 67%. Khi gặp những biến cố như đau bệnh nặng, bị thương tật hoặc thiên tai, nếu không được trợ giúp, chủ trang trại có thể phải “giải nghệ”. Theo đài truyền hình CNN, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số trang trại ngày càng ít dần. Gross cho rằng mục tiêu của Farm Rescue là góp sức giúp nông dân vượt qua cơn khủng hoảng để sau đó họ có thể tiếp tục công việc đồng áng của mình. Mục tiêu của Farm Rescue năm 2009 là tăng số nông hộ lâm vào khủng hoảng được “giải cứu” lên 100, đồng thời mở rộng phạm vi “giải cứu” đến các bang nông nghiệp khác.

SONG NGỌC (Theo Csmonitor, CNN, farmrescue.org)

Chia sẻ bài viết