24/11/2018 - 17:34

“Áo khoác vàng” dậy sóng ở Paris 

Sau một tuần diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước, ngày 24-11, phong trào “áo khoác vàng” tập trung lực lượng tại Thủ đô Paris nhằm gia tăng sức ép lên Tổng thống Emmanuel Macron trong vấn đề thuế xăng dầu.

Một người trong đám đông biểu tình mang mặt nạ Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters

Phong trào “áo khoác vàng” không  có thủ lĩnh và tổ chức biểu tình thông qua các trang mạng xã hội, chủ yếu là Facebook. Hôm thứ bảy tuần trước (17-11), tất cả tài xế mặc áo khoác vàng dạ quang sử dụng ôtô của họ chắn lối các đường cao tốc khắp cả nước với nhiều chướng ngại vật nghi ngút khói lửa. Những đoàn xe tải di chuyển chậm làm tắc các trạm nhiên liệu, trung tâm thương mại và một số nhà máy. Theo thống kê, có gần 300.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu được đưa ra hồi năm ngoái của ông Macron.

Biểu tình chống tăng thuế - đặc trưng của người Pháp

Chính sách trên của ông Macron là nhằm khuyến khích người dân chuyển sang dùng các phương tiện giao thông thân thiện hơn với môi trường. Bước đi này thể hiện cam kết của Chính phủ Pháp và Tổng thống Macron là đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Năm 2015, Pháp tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu khi thúc đẩy và thông qua được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp định này là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu. Để hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp khi tăng thuế xăng dầu, Chính phủ Pháp dành 500 triệu euro để thưởng 2.000 euro cho các tài xế thay đổi xe hơi đời cũ bằng loại xe thân thiện môi trường. Tuy nhiên, việc tăng thuế cùng với giá dầu thế giới tăng đã khiến giá xăng dầu tại Pháp tăng khoảng 20% trong năm qua. Giá bán lẻ xăng tại khu vực Paris hiện khoảng 1,50 euro/lít (39.566 đồng).

Biểu tình chống tăng thuế được coi là một “đặc trưng” của đời sống công cộng tại Pháp bao thế kỷ nay, khi mà người dân nước này chịu nhiều mức thuế cao nhất tại châu Âu tính theo phần trăm GDP. Riêng biểu tình chống tăng thuế nhiên liệu là sự kiện thường xuyên của thời đại mới như các năm 1995, 2000, 2004, 2008, 2013. Năm 2013, phong trào “mũ len đỏ” của tài xế xe tải vùng Bretagne (Tây Bắc nước Pháp) đã buộc chính quyền Tổng thống Francois Hollande của đảng Xã hội phải hủy bỏ thuế chống ô nhiễm môi trường. Đài phát thanh quốc tế Pháp khi đó mô tả  sự kiện này là “mũ len đỏ chống thuế xanh”.

Năm 2018, giới phân tích cho rằng phong trào “áo khoác vàng” còn dữ dội hơn bởi nó được phát động rộng rãi trên mạng xã hội và có nhiều thành phần tham gia. Nhà phân tích chính trị Pháp Jean-Yves Camus cho rằng dân Pháp nổi dậy chống thuế xăng dầu diễn ra ở thời điểm đặc biệt, đó là khi họ cảm thấy các dịch vụ công ích đi xuống, sự an toàn không được đảm bảo, phân hóa giàu nghèo, tiền điện-khí đốt hộ gia đình gia tăng. Mặt khác, người dân Pháp cũng đã “mất cảm tình” với Tổng thống Macron vì chính phủ của ông năm 2017 thông qua sắc lệnh hành chính sửa đổi Bộ luật Lao động tạo thuận lợi cho giới doanh nghiệp sa thải người lao động.

Lòng dân không thuận và nỗi lo kinh tế

Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được ông Macron kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động. Tuy nhiên, giới chính khách đối lập gọi ông Macron là “tổng thống của người giàu”. Người dân Pháp dường như cũng có cái nhìn tiêu cực về chính sách thân thiện với doanh nghiệp của ông chủ Điện Élysée. Chị Marie, một bảo mẫu 31 tuổi đến từ vùng Var (miền Nam nước Pháp) bày tỏ: “Người dân đang rất giận dữ vì thuế tăng mà lương lại giảm. Đối với những người làm việc cật lực thì họ cảm thấy bất công. Với tôi, ông Macron là tổng thống của người giàu, hào phóng thuế cho người giàu và ngó lơ phần còn lại trong chúng tôi”. Người mẹ 3 đứa con này đang lo lắng cho tương lai có thể tồi tệ hơn. Chị đã tham gia biểu tình không ngơi nghỉ từ hôm 17-11 đến nay.

Cuộc biểu tình đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân xứ gà trống Gaulois. Đặc biệt, theo Bộ Nội vụ Pháp, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và đám đông biểu tình đã làm 2 người thiệt mạng và hơn 750 người bị thương, trong đó có 136 sĩ quan cảnh sát. Sự bất ổn an ninh ở lục địa Pháp còn lây lan các vùng hải ngoại, bao gồm đảo Réunion trên Ấn Độ Dương. Về kinh tế, Hiệp hội bán lẻ Pháp cho hay cuộc biểu tình chỉ tính riêng hôm 17-11 đã khiến doanh thu bán lẻ trong ngày giảm 35%. Và cuộc biểu tình với dự kiến 30.000 người tham gia chỉ tính riêng tại Paris ngày 24-11 sẽ khiến ngành bán lẻ Pháp điêu đứng. Đây là mùa mua sắm, đã bắt đầu từ ngày Thứ sáu đen 23-11, nên sự bất ổn sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Pháp.

Cảnh sát Paris dự trù triển khai khoảng 3.000 nhân viên an ninh giám sát người biểu tình. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của cảnh sát là phải xác định các đối tượng cực đoan thuộc phe cực tả lẫn cực hữu xâm nhập vào đám đông biểu tình để tấn công tình dục, sử dụng bạo lực với lực lượng an ninh. Hôm 23-11, cảnh sát đã bắt giữ một đối tượng biểu tình mang thiết bị nổ trên người. Tháp Eiffel đã phải đóng cửa trong ngày 24-11. Cảnh sát còn lo ngại người biểu tình đi vào “vùng cấm” là Quảng trường Concorde, nơi gần trụ sở quốc hội và dinh tổng thống.

Thế nhưng, bất chấp những nguy cơ trên, một cuộc thăm dò của hãng Elabe công bố hôm 23-11 cho thấy có tới 77% người dân Pháp coi cuộc biểu tình tại Paris là hợp pháp. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho vị tổng thống 40 tuổi xuống mức 20%. 

Dự kiến vào ngày 27-11, Tổng thống Macron và Bộ trưởng Sinh thái Francois de Rugy sẽ trình bày kế hoạch “chuyển đổi năng lượng” trong tương lai của nước Pháp. Kế hoạch này bao gồm chỉ tiêu cắt giảm năng lượng hạt nhân từ mức 75% hiện nay. Bộ trưởng Rugy cho hay mục tiêu của chính phủ là giảm tỷ lệ sử dụng năng lượng hạt nhân xuống còn 50% vào năm 2035. Tuy nhiên, ông Macron có thể không nhân nhượng về quyết định tăng thuế xăng dầu, bất chấp sức ép của phong trào “áo khoác vàng”, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa Tiến bước cầm quyền và phe đối lập.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết