16/04/2024 - 08:44

Yếu tố Trung Quốc “phủ bóng” bầu cử Solomon 

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương đang bị xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh Quần đảo Solomon chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử vào ngày mai. Theo đó, có 2 ứng viên tham gia cuộc bầu cử cho biết họ sẽ tìm cách đánh giá lại hiệp ước an ninh gây tranh cãi ký năm 2022.

Thủ tướng Solomon Sogavare (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2023. Ảnh: Xinhua

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon trở nên sâu sắc hơn dưới thời Thủ tướng Manasseh Sogavare, người đang hy vọng một chiến thắng nữa trong cuộc bỏ phiếu ngày 17-4. Theo Guardian, chiến lược Nhìn về phía Bắc là chủ đề trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của ông Sogavare.

Trong lần tranh cử năm nay, ông Sogavare nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong khi tiếp tục quan hệ với các đối tác truyền thống như Úc. Thủ tướng Sogavare cho rằng sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với Thế vận hội Thái Bình Dương mà Solomon đăng cai hồi năm 2023 và các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng khác “giúp đưa đất nước chúng ta đi trên con đường thuận lợi hơn, có chỗ đứng trên trường quốc tế”. Được biết, Trung Quốc đã tài trợ phần lớn Thế vận hội và đổ tiền xây dựng nhiều cơ sở vật chất, đặc biệt là sân vận động quốc gia ở thủ đô Honiara.

Theo ông Sogavare, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh năm 2019 là “bước ngoặt” đối với Solomon. Honiara khi đó đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan. 3 năm sau đó, Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc - một phần của chiến lược Nhìn về phía Bắc của ông Sogavare.

Dù không được công bố chi tiết nhưng theo bản dự thảo hiệp ước bị rò rỉ, tàu thuyền Trung Quốc được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở đây. Thỏa thuận cũng nêu rõ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này.

Động thái trên từng làm dấy lên mối lo ngại của phương Tây về tham vọng của Trung Quốc tại  khu vực Thái Bình Dương. Giờ đây, 2 ứng viên tham gia cuộc tổng tuyển cử gồm Peter Kenilorea Jr, lãnh đạo đảng Thống nhất Solomon và Gordon Darcy Lilo, thủ lĩnh đảng Vì sự tiến bộ nông thôn Solomon, cho biết sẽ đánh giá lại thỏa thuận. Ông Kenilorea Jr nói rằng tuy ủng hộ các khía cạnh phát triển kinh tế của chính sách Nhìn về phía Bắc nhưng ông vẫn lo ngại về hiệp ước an ninh với Trung Quốc. “Các vấn đề an ninh cần phải bớt mơ hồ và rõ ràng hơn” - ông Kenilorea Jr nói với Guardian. Ông này tuyên bố sẽ xem xét lại hiệp ước, tìm cách thiết lập quan hệ với cả Đài Bắc và Bắc Kinh; hợp tác nhiều hơn với các đối tác truyền thống, gồm Úc.

Trong khi đó, ông Lilo tuyên bố sẽ tập trung vào cải cách chính sách trong và ngoài nước, giải quyết tham nhũng và duy trì sự hỗ trợ của các đối tác truyền thống. Ông Lilo cũng kêu gọi minh bạch hơn về hiệp ước an ninh với Trung Quốc. “Quần đảo Solomon cần biết nội dung chi tiết của thỏa thuận này. Chúng tôi sẽ loại bỏ nó hoặc đánh giá lại nó một khi chúng tôi nắm được quyền lực trong cuộc bầu cử sắp tới” - ông Lilo tuyên bố.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết