25/05/2011 - 08:46

Yemen bên bờ nội chiến

Chính quyền Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đang đánh giá lại chính sách hỗ trợ quân sự và kinh tế của họ cho Yemen, sau thời gian dài bế tắc trong nỗ lực tìm cách buộc Tổng thống Ali Adbullah Saleh từ chức trước làn sóng biểu tình ngày càng trổi dậy dữ dội ở quốc gia Vùng Vịnh này.

Lo ngại tình hình bất ổn tại Yemen, Mỹ và các nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã kiên nhẫn đàm phán một thỏa thuận hòa giải giữa chính quyền Sanaa với phe đối lập đang biểu tình rầm rộ gần 3 tháng qua. Đã 3 lần thỏa thuận tưởng chừng sắp đạt được nhưng rồi phút chót lại đổ vỡ.

Người biểu tình chống chính phủ ở Sanaa. Ảnh: AFP 

Thỏa thuận gần đây nhất diễn ra sau khi các thủ lĩnh đối lập Yemen chấp nhận điều kiện miễn truy tố đối với Tổng thống Saleh nếu ông chấp nhận từ chức trong vòng 30 ngày. Ban đầu ông Saleh đồng ý, và phe đối lập đã ký thỏa thuận hôm 21-5. Tuy nhiên, lễ ký kết do ông Saleh và các nhà lãnh đạo trong đảng cầm quyền của ông dự kiến diễn ra vào ngày 22-5 tại Đại sứ quán Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), đã gặp vấn đề. Các tay súng tự nhận trung thành với ông Saleh đã bao vây Đại sứ quán UAE, ngăn cản các nhà ngoại giao của Mỹ và các nước GCC vào bên trong. Các quan chức ngoại giao buộc phải chuyển cuộc họp tới phủ tổng thống Yemen vào trưa 22-5, nhưng ông Saleh lại không ký thỏa thuận mà nói với Đại sứ Mỹ Gerald Feierstein rằng ông chỉ để các lãnh đạo đảng cầm quyền ký thay.

Xuất hiện trên truyền hình sau đó, Tổng thống Saleh nói là ông không ký vì các thủ lĩnh đối lập đã không ký thỏa thuận trước mặt ông. Tổng thống Yemen tuyên bố phe đối lập sẽ chịu trách nhiệm “nếu nước này xảy ra nội chiến”. Các quan chức GCC đã giận dữ rời khỏi Yemen.

Một ngày trước khi ông Saleh từ chối ký thỏa thuận hòa bình do GCC trung gian đàm phán, cố vấn an ninh quốc gia và chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan đã nói với Tổng thống Yemen rằng “nếu ông không ký (hiệp ước), Mỹ và các nước đồng minh phải cân nhắc những bước tiếp theo”. Một trong những lựa chọn có thể là đưa Yemen ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét các biện pháp trừng phạt. Ngày 23-5, Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi ông Saleh “chuyển giao quyền lực ngay”, đồng thời cảnh báo rằng các nước thành viên khối này “sẽ xem lại chính sách của họ đối với Yemen”.

Tuy nhiên, theo báo Bưu điện Washington của Mỹ, các quan chức ở Washington và các nước đồng minh vẫn lo ngại rằng bất kỳ hành động nào của họ đều có thể tạo ra những nguy cơ đe dọa lợi ích của họ tại quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng này, nhất là Yemen đang trên bờ vực khủng hoảng kinh tế và nhánh al-Qaeda mạnh nhất thế giới có “căn cứ” ở đây. Yemen là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác.

Trong khi đó, các cuộc chạm trán giữa lực lượng chính phủ và các tay súng trung thành với thủ lĩnh bộ tộc đầy quyền lực Sadiq al-Ahmar đã diễn ra rất quyết liệt tại Thủ đô Sanaa, làm ít nhất 6 người chết và hàng chục người bị thương, theo hãng tin Mỹ ABC News ngày 24-5. Một số nhân chứng cho biết khói bốc lên từ các đám cháy tại Bộ Nội vụ và trụ sở hãng hàng không quốc gia Yemenia. Các vụ đọ súng cũng xảy ra gần Đại sứ quán Mỹ. Nhiều nguồn tin cho biết hàng ngàn người bộ tộc Hashid đã tràn vào thành phố hỗ trợ cho ông Ahmar. Từng ủng hộ ông Saleh và là thủ lĩnh bộ tộc Hashid, nhưng ông Ahmar đã quay lưng với ông Saleh vào giữa tháng 3, sau khi 52 người biểu tình chống chính phủ bị bắn chết. Ông Ahmar đã lên tiếng yêu cầu kết thúc 32 năm cầm quyền của ông Saleh.

N. KIỆT (Theo Washingtonpost, WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết