08/12/2023 - 09:33

Ý rút khỏi “Vành đai, Con đường” 

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, truyền thông quốc tế đưa tin Ý rút khỏi Sáng kiến “Vành đai, Con đường - BRI” sau khi tính toán rằng tư cách thành viên không mang lại lợi ích cho nước này.

Ảnh: atlanticcouncil

Hiện chưa có xác nhận chính thức, nhưng một số nguồn tin chính phủ tiết lộ Ý đã gởi thư kèm thông báo rút lui cho Trung Quốc cách đây vài ngày. Theo quy trình, tư cách thành viên BRI tự động gia hạn sau 5 năm và các nước đối tác có nghĩa vụ thông báo trước 3 tháng nếu có ý định rời khỏi.

Năm 2019, Ý trở thành quốc gia lớn đầu tiên ở phương Tây và là thành viên duy nhất trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) tham gia tổ hợp siêu dự án của Trung Quốc, bất chấp lo ngại của Mỹ về việc Bắc Kinh lợi dụng BRI kiểm soát công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng. Từ trước khi nhậm chức thủ tướng Ý năm ngoái, bà Giorgia Meloni (ảnh) đã chỉ trích quyết định tham gia BRI là “sai lầm nghiêm trọng”. Bà cũng không che giấu ý định hủy bỏ tư cách thành viên BRI của Ý với lý do các dự án không mang lại lợi ích như mong đợi.

Theo các nhà chuyên môn, khó có thể chắt lọc dòng vốn BRI từ các số liệu đầu tư nhưng sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc - Ý có thể thấy rõ. Cụ thể, thâm hụt thương mại của Ý với Trung Quốc đã tăng vọt từ 21 tỉ USD lên 53 tỉ USD. Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc chỉ tăng 19% lên 17,3 tỉ USD từ năm 2019 đến 2022. Ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gần 71% lên 60,5 tỉ USD trong cùng kỳ. Ngoài ra, vấn đề chính vẫn là sự thất vọng trong cộng đồng doanh nghiệp Ý trước việc các dự án Trung Quốc không được chuyển giao. “Rome hiện phù hợp với quan điểm của Brussels, đó là coi Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh có hệ thống” - chuyên gia Philippe Le Corre tại Viện Chính sách Xã hội châu Á giải thích.

Bước lùi quan hệ

Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức. Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng ca ngợi quan hệ hiệu quả với Ý dựa trên các dự án BRI. Gần đây, Ý là một trong 5 quốc gia có công dân được miễn thị thực khi đến Trung Quốc. Nhưng giới phân tích đánh giá Ý có rất ít động lực tiếp tục gia hạn thỏa thuận và Bắc Kinh có thể rơi vào câu chuyện “giữ thể diện” bằng lập luận Roma rút lui dưới áp lực của Mỹ. Về lâu dài, Ý có thể hứng chịu thái độ lạnh giá từ Trung Quốc. Cảnh giác với việc khiêu khích Bắc Kinh, một nguồn tin Chính phủ Ý tuyên bố Roma mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc ngay cả khi không còn tham gia BRI.

Theo chuyên gia phân tích Noah Barkin, diễn biến mới nhất đồng thời phản ánh bước thụt lùi của Trung Quốc trong quan hệ với châu Âu. Song, Bắc Kinh với khó khăn kinh tế đang đối mặt sẽ khó tiến hành các đòn trả đũa kịch liệt. Bởi hành động “ăn miếng trả miếng” sẽ khiến Trung Quốc giảm sức hấp dẫn trước các nhà đầu tư và khó tiếp cận thị trường châu Âu. Tuy nhiên, điều gây khó xử là tin tức Ý rút lui xuất hiện hôm 6-12, một ngày trước khi Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với EU kể từ năm 2019.

Hiện EU có thắc mắc về ý định của Trung Quốc với Ðài Loan. Khối cũng lo ngại quan hệ kinh tế “mất cân bằng”, trong đó thâm hụt thương mại gần 430 tỉ USD với Trung Quốc đã phản ánh những hạn chế mà doanh nghiệp EU đối mặt. Ngược lại, Trung Quốc dự kiến ​​chất vấn cuộc điều tra chống trợ cấp của EU với xe điện, cũng như chính sách “giảm rủi ro” mà khối áp dụng nhằm giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ đại lục.

Theo giới quan sát, sự xa cách của châu Âu với Trung Quốc có thể hiểu do ảnh hưởng từ Mỹ nhưng có ý kiến cho rằng các đồng minh đang nỗ lực tìm kiếm sân chơi công bằng. Trong bối cảnh này, ông Barkin dự đoán Bắc Kinh đang chờ thời cơ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng kéo theo chia rẽ xuyên Ðại Tây Dương, điều này sẽ khiến châu Âu sợ rủi ro hơn trước Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Reuters)

Chia sẻ bài viết