|
Nạn nhân vụ đánh bom tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va hồi tháng 3 năm nay. FSB được tăng quyền để ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố tương tự xảy ra. Ảnh: AFP |
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vừa ký một đạo luật mở rộng quyền của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), cơ quan kế tục sự nghiệp chính của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB). Theo đó, cho phép FSB gửi các cảnh báo đối với những người bị nghi ngờ đang chuẩn bị hành động phạm tội chống lại an ninh quốc gia Nga. Nếu không tuân thủ các mệnh lệnh của FSB hoặc cản trở cơ quan này thực thi nhiệm vụ, các đối tượng tình nghi có thể bị phạt tiền tới 1.300 euro hoặc bị bắt giam tới 15 ngày. Đạo luật này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi dữ dội ở Nga. Những người chỉ trích cáo buộc rằng việc tăng quyền hạn này có thể bị FSB “lạm dụng” để hăm dọa các đối thủ của đảng cầm quyền và đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ. Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng các quy định mới sẽ khiến việc chống khủng bố hiệu quả hơn.
Có thể nói, sau hai vụ đánh bom tự sát nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va hồi tháng 3 năm nay, khiến 40 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương, nhiều chính trị gia Nga đã lên tiếng yêu cầu cần phải tăng các biện pháp phòng ngừa khủng bố. Những người ủng hộ cho rằng, luật mới sẽ giúp cuộc chiến chống khủng bố hiệu quả hơn. Như giải thích của ông Mikhail Margelov, thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), một số quy định mới là biện pháp ngăn ngừa tội phạm vì nó giúp người dân hiểu rõ hành vi sai trái của mình trước khi bị cơ quan an ninh bắt giữ hay chịu nộp phạt. Cũng theo ông Margelov, các quy định mới thật ra chỉ là một khuôn khổ pháp lý dựa trên những biện pháp đã được FSB và các cơ quan an ninh khác sử dụng trên thực tế.
Tuy nhiên, có dư luận cho rằng luật mới dường như cũng nhằm thắt chặt việc kiểm soát đối với các nhà báo, phe đối lập hay những người biểu tình chống chính phủ, làm gia tăng nghi ngờ về cam kết của Tổng thống Medvedev trong việc thúc đẩy dân chủ và tự do ngôn luận. Một số chính trị gia đối lập cáo buộc luật mới là công cụ của chính phủ nhằm hợp thức hóa các hành vi “lạm quyền” của FSB. Tổ chức phi chính phủ Memorial cho rằng luật mới là “một công cụ nguy hiểm không thể kiểm soát”, và rằng FSB với quyền hành mới chẳng khác nào hình ảnh đầy thế lực của KGB thời Xô-viết.
Theo nhận định của báo chí Mỹ và phương Tây, kể từ khi nhậm chức tổng thống vào năm 2008, ông Medvedev được cho là có quan điểm về nhiều vấn đề mềm dẻo hơn so với người tiền nhiệm - Thủ tướng Vladimir Putin, một cựu quan chức KGB từng giữ vị trí lãnh đạo FSB. Tuy nhiên, Thủ tướng Putin vẫn được coi là người có ảnh hưởng lớn trong điện Kremlin với chủ trương không khoan nhượng lực lượng nổi dậy chống chính phủ hoặc mưu toan làm bất ổn an ninh quốc gia.
PHÚC GIA AN (Theo RIA-Novosti, AP và AFP)