|
Tàu khu trục USS Cole. Ảnh: AFP |
Chính quyền Mỹ mới đây quyết định điều thêm tàu khu trục USS Cole và hai tàu tiếp nhiên liệu đến vùng biển Đông Địa Trung Hải, nói là để “hỗ trợ sự ổn định của khu vực này” trong lúc đang xảy ra cuộc khủng khoảng chính trị ở Liban. Như vậy, USS Cole được trang bị tên lửa dẫn đường sẽ phối hợp với đội tàu chiến Nassau của hải quân Mỹ gồm hai tàu vận tải chở lính, 3 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường, một tàu ngầm và hai tàu tiếp nhiên liệu. Đây là sự hiện diện lớn nhất của hải quân Mỹ trên vùng biển Đông Địa Trung Hải trong vòng nhiều năm qua. Cần nhắc lại là tàu khu trục USS Cole từng phải rút khỏi khu vực này sau khi xảy ra vụ tấn công liều chết do mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tổ chức trên Vịnh Yemen năm 2000 làm 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Mãi đến tháng 6-2007, Lầu Năm Góc mới tái triển khai USS Cole tại Trung Đông nhằm uy hiếp Iran, quốc gia mà Mỹ cáo buộc đang tiếp tay cho phiến quân làm bất ổn Iraq cũng như theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích cho rằng sự có mặt hùng hậu của hải quân Mỹ tại đây có thể nhằm vào một trong hai mục đích. Một là sẵn sàng hậu thuẫn đồng minh Israel phát động cuộc chiến chống Hezbollah ở miền Nam Liban. Hai là đe dọa trừng phạt quân sự chống Syrie. Amal Saad-Ghorayed, nhà phân tích của Trung tâm Carnegie, nhận định một khi Washington hoàn toàn thất bại trong ván cờ chính trị tại Liban thì họ bắt đầu nghĩ tới một giải pháp quân sự cứng rắn. Trong bối cảnh chính quyền thân phương Tây của Thủ tướng Fouad Siniora không làm chủ được tình hình thì phe đối lập do phong trào Hồi giáo dòng Shiite Hezbollah dẫn đầu lại tăng cường sức mạnh. Một báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trình Hội đồng Bảo an cho biết phong trào này đang nắm trong tay một kho vũ khí đồ sộ gồm 10.000 rốc-két tầm xa và 20.000 rốc-két tầm ngắn. Trong khi đó, trước cuộc chiến 34 ngày hồi mùa hè năm 2006, tình báo Israel đánh giá Hezbollah chỉ có khoảng 13.000 rốc-két và “hao hụt” 4.000 rốc-két trong chiến tranh. Ông Ban Ki-moon cho biết hệ thống rốc-két tầm xa mới hiện nay của Hezbollah có thể vươn tới Thủ đô Tel Aviv của Israel và đây thật sự là nguy cơ lớn nếu hai bên tái xung đột vũ trang. Sau cái chết của Imad Mughniyeh, một nhân vật cấp cao của Hezbollah tại Syrie ngày 12-2 vừa qua, phong trào này tuyên bố sẽ trả thù kẻ chủ mưu vụ ám sát mà họ cho là Israel. Một thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố phong trào này đang sẵn sàng cho một cuộc “chiến tranh công khai” khó có thể tránh khỏi với nhà nước Do Thái trong tương lai gần.
Nếu không hậu thuẫn Tel Aviv phát động chiến dịch quân sự mới chống Hezbollah tại miền Nam Liban thì Washington cũng gởi một thông điệp tới Damas rằng Syrie đừng can thiệp vào những vấn đề có liên quan đến lợi ích của Mỹ. Giống với Iran, Syrie bị Mỹ cáo buộc hỗ trợ vũ khí cho Hezbollah, Hamas (tại Palestine) và các nhóm nổi dậy ở Iraq. Washington còn tin rằng Damas đứng đằng sau các vụ thanh toán những chính khách thân phương Tây ở Liban, như cựu Thủ tướng Rafik Hariri.
PHÚC NGUYÊN
(Theo Csmonitor, AP)