12/09/2010 - 09:21

Xung quanh chuyện những cụ già “bốc hơi” ở Nhật Bản

Người cao tuổi Nhật chăm chỉ tập thể dục.

Bộ Tư pháp Nhật Bản ngày 10-9 cho biết sau khi tiến hành rà soát nhân khẩu trên cả nước, họ đã không tìm thấy hơn 230.000 cụ già trên 100 tuổi tại các địa chỉ đăng ký, mặc dù các cụ được khai báo... vẫn còn sống.

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong số 234.354 cụ không tìm thấy tại địa chỉ đăng ký, 77.118 người được cho là nếu vẫn còn sống như trên tờ khai hộ khẩu của chính quyền địa phương thì có tuổi thọ ít nhất 120 tuổi và 884 người có tuổi 150 hoặc hơn!?

Hồi giữa tháng 8 vừa qua, chính quyền Nhật cho biết chỉ có hơn 500 người trên 100 tuổi “mất tích”, nhưng đã làm dấy lên tâm lý hoang mang và lo sợ cho người dân đất nước Mặt trời mọc, quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới này. Chính quyền và nhân dân xứ hoa anh đào bối rối vì trước đó đã phát hiện một vài trường hợp cụ ông, cụ bà đã chết từ hàng chục năm trước nhưng con cháu trong nhà vẫn được hưởng tiền trợ cấp.

Có lẽ sốc nhất là vụ xảy ra hồi cuối tháng 7, khi cảnh sát phát hiện xác ướp của cụ ông Sogen Kato, người được coi là cụ ông cao tuổi nhất tại Thủ đô Tokyo với 111 tuổi ghi trên giấy, ngay trong căn nhà của ông. Các cơ quan chức năng điều tra được cụ ông này đã chết cách đây 32 năm. Do đó, người cháu gái của cụ đã bị bắt vì tội không khai báo người đã chết để nhận trái phép hàng triệu yen tiền trợ cấp của chính quyền. Theo báo cáo, chính quyền Tokyo đã chi trợ cấp cho cụ Kato khoảng 9,5 triệu yen (109.000 USD) kể từ khi bà vợ của cụ mất cách đây 6 năm. Phần lớn số tiền này đã bị cháu gái “giữ làm của riêng” để tiêu xài. Tiếp sau đó, người ta phát hiện một cụ bà 113 tuổi, người được coi là cư dân cao tuổi nhất Tokyo, đã “bặt vô âm tín” hơn 20 năm qua, chẳng ai trong gia đình bà biết bà đang ở đâu.

Bộ Nội vụ Nhật Bản cho rằng nhiều người có thể đã chết từ Chiến tranh Thế giới thứ hai hoặc giai đoạn hậu chiến khó khăn, cũng có khả năng họ đã di cư mà không báo với chính quyền địa phương. Theo giải thích của Bộ trưởng Nội vụ Keiko Chiba, việc chính phủ không thể thống kê chính xác số công dân lớn tuổi của đất nước là do luật bảo vệ quyền riêng tư cá nhân rất chặt chẽ, trong khi các mối quan hệ gia đình và cộng đồng ngày càng lỏng lẻo. “Những người lớn tuổi dạng trên dường như sống cô lập, nên người ta không rõ họ đã chết hay còn sống dựa theo giấy đăng ký hộ tịch”, ông Chiba phân trần.

Bộ Y tế Nhật cho biết nước này có 40.399 người từ 100 tuổi trở lên xác định được chỗ ở, tăng hơn gấp 3 lần so với cách đây một thập niên. Đây là số liệu cơ bản nằm trong diện kiểm kê dịch vụ chăm sóc y tế và trợ cấp xã hội trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, những đối tượng này chỉ nằm trong danh sách đăng ký của chính quyền địa phương, chứ không có trong số liệu thống kê dân số quốc gia. Ngoài ra, họ cũng không được tính theo diện tuổi thọ trung bình của nước này. Tại Nhật, phái nam trên 98 tuổi và phái nữ trên 103 tuổi sẽ không được tính vào tuổi thọ bình quân quốc gia. Phụ nữ Nhật có tuổi thọ trung bình là 86,4 tuổi, cao nhất thế giới, và phái nam là 79,6 tuổi, đứng thứ 5 thế giới.

Ở Nhật, có hai diện người già được nhận tiền trợ cấp. Thứ nhất là những người lĩnh lương hưu từ 65 tuổi trở lên. Thứ hai là hình thức trợ cấp mức sống tối thiểu hàng tháng cho những cụ bà không đi làm, không đóng bảo hiểm xã hội gọi là “tiền bảo hộ sinh hoạt”. Khoản tiền này không cao, từ 600-700 USD/tháng, mức mà người già có thể sống được. Ngoài ra, người già từ 100 tuổi trở lên mỗi năm còn nhận được quà sinh nhật theo truyền thống. Chính vì vậy mà một số người thân trong gia đình cố tình ém thông tin khi người già qua đời. Đây là một thực tế đáng báo động ở Nhật.

PHÚC GIA AN (Theo AP và AFP)

Chia sẻ bài viết