14/08/2010 - 10:05

Xung quanh chuyện đi hay ở của quân đội Mỹ tại Iraq

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11-8 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình Iraq. Cuộc họp diễn ra khi chỉ còn ba tuần nữa Mỹ chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu ở Iraq. Khoảng 20 quan chức dân sự và sĩ quan quân đội cao cấp đã tham dự cuộc họp này, trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Cố vấn An ninh Quốc gia Jim Jones và tân Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper. Sau cuộc họp kín, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho biết Washington vẫn giữ nguyên kế hoạch kết thúc các hoạt động tác chiến của binh sĩ Mỹ ở Iraq kể từ ngày 31-8 tới như thời gian biểu mà Tổng thống Obama đã cam kết sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2009, bất chấp bạo lực bùng phát trở lại thời gian gần đây ở quốc gia Vùng Vịnh này. Mỹ hiện có khoảng 64.000 binh sĩ đồn trú tại ở Iraq, nhưng con số này sẽ giảm xuống còn 50.000 binh sĩ sau ngày 31-8 và sẽ chỉ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Lính Mỹ tại Iraq. Ảnh: Reuters 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates lại bóng gió rằng nếu chính phủ mới ở Iraq được thành lập và muốn quân đội Mỹ tiếp tục được duy trì thì Washington sẽ tổ chức đối thoại với Baghdad về vấn đề nhạy cảm này. Trước đó, Tướng Zebari, một sĩ quan cấp cao quân đội Iraq, nói rằng binh sĩ Mỹ nên tiếp tục hiện diện tại Iraq cho đến năm 2020 trước khi quân đội Iraq có thể bảo đảm được an ninh trong nước. Ông Zebari, người có quan điểm ủng hộ Mỹ, đã cảnh báo rằng quân đội Iraq chưa sẵn sàng gánh vác trọng trách tự đảm bảo an ninh quốc gia cho đến năm 2020. Michael O’Hanlon, nhà nghiên cứu của Viện Brookings (Mỹ), cho rằng lời phát biểu của Tướng Zebari “đang phản ánh cái nhìn chung của đa số quan chức quân đội Mỹ và Iraq, những người tin rằng Iraq vẫn cần sức mạnh không lực, chuyên gia huấn luyện quân sự, lực lượng đặc nhiệm và các hình thức hỗ trợ khác của quân đội Mỹ sau năm 2011”.

Thủ tướng Nuri al-Maliki ngày 12-8 cũng thừa nhận sự hỗ trợ của quân đội Mỹ trong việc đào tạo 660.000 binh sĩ, lực lượng an ninh và dân quân hậu thuẫn chính phủ Iraq chưa thể giúp bình ổn nước này sau năm 2011. Tư lệnh Mỹ tại Iraq, Tướng Ray Odierno và một số quan chức khác cũng đã thúc giục quốc hội Mỹ xem xét lại kế hoạch rút quân, cho rằng lực lượng an ninh Iraq vẫn cần thêm sự hỗ trợ lớn từ quân đội Mỹ.

Những năm qua, Mỹ đã tiêu tốn 18 tỉ USD để xây dựng các lực lượng an ninh của Iraq và trong tài khóa 2011, Lầu Năm Góc dự kiến bổ sung 2 tỉ USD để tăng cường huấn luyện lực lượng này. Một chuyên gia về các vấn đề chính trị người Iraq đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ “Nhóm Khủng hoảng Quốc tế”, ông Joost Hiltermann, cho rằng việc Tổng thống Obama thông báo rút quân khỏi Iraq chẳng qua chỉ là một thủ thuật để lấy lòng cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, bởi thực tế như phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Nhà Trắng vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đóng quân tại Iraq.

Nhà chính trị Maysoun Al Damalouji thân cựu Thủ tướng Iraq Iyad Allawi cho biết khối chính trị đối lập tại Iraq phản đối lời phát biểu “cầu viện” Mỹ của Tướng Zebari, cho rằng không có người Iraq nào nhìn thấy lợi ích từ sự chiếm đóng của Mỹ. Tiến sĩ Hassan Ali, nhà phân tích chính trị - giáo sư Đại học Baghdad, nhấn mạnh thông điệp của Tướng Zebari không phản ánh xu thế chính trị ở Iraq. “Sự hiện diện của quân đội Mỹ không đem lại lợi ích cho người Iraq và cả Mỹ. Do vậy, lời của ông Zebari không nên làm thay đổi kế hoạch rút quân của ông Obama và người Iraq sẽ quản lý đất nước của mình không cần người Mỹ vào năm tới”, Tiến sĩ Hassan Ali nhấn mạnh.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết