30/08/2012 - 21:08

Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và hướng vào thị trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo “Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ). Nhiều ý kiến cho rằng, định hướng phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nền nông nghiệp đô thị, công nghệ cao là xu thế tất yếu, đảm bảo sự thành công của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố. Tuy nhiên, để Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ không “nằm trên giấy”, quy hoạch cần xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường và phải được xem xét trong mối tương quan với quy hoạch của các ngành khác…

* Nhu cầu bức thiết

Theo Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (đơn vị tư vấn), Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ được xây dựng trên nền tảng đánh giá thực trạng và lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Những năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ có xu hướng tăng chậm lại (2,5% giai đoạn 2006-2010 so với 8,4% giai đoạn 2001-2005). Cơ cấu kinh tế khu vực I chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm và chưa bền vững. Điều này thể hiện qua tỷ trọng thủy sản tăng nhanh nhưng có xu hướng giảm trong khi tỷ trọng ngành chăn nuôi vẫn đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố người dân đã có ý thức trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời giảm chi phí sản xuất để cải thiện thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích...

Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ hướng đến khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, hình thành các tiểu vùng nông nghiệp với những sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Trong ảnh: Thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012 bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Cờ Đỏ. 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, cho biết: “Mục tiêu của quy hoạch nhằm đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại, hướng vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, quy hoạch tập trung vào việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng, tiến tới việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố...”. Theo đó, Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ được chia thành 2 phân vùng nông nghiệp. Vùng I: Chịu ảnh hưởng triều mạnh thích hợp phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái (quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền). Vùng II: Chịu ảnh hưởng của lũ mạnh, thích hợp sản xuất lương thực, thực phẩm chất lượng cao (huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Cái Răng).

Theo Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ, diện tích đất bố trí phục vụ trồng lúa là 86.479ha (năm 2015) và 82.250 ha (năm 2020). Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế nông thôn duy trì ở mức từ 9-10%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp bao gồm: trồng trọt (80,6%), chăn nuôi (12,9%), còn lại là dịch vụ nông nghiệp. Đến năm 2020, 36/36 xã của TP Cần Thơ được công nhận xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 30 triệu đồng/người/năm (tăng 1,8-2 lần so với năm 2010). Định hướng đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2020; lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ dưới 20%, lao động nông thôn thông qua đào tạo trên 80%...

* Phải gắn với thực tiễn

Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: Cần Thơ là thành phố trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL. Do đó, Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ cần đặt trong mối tương quan với quy hoạch của các tỉnh khác trong vùng. Đơn cử, đối với quy hoạch phát triển ngành thủy sản, TP Cần Thơ cần tìm hiểu, tham khảo quy hoạch ngành thủy sản của các tỉnh khác, tránh tình trạng quy hoạch tràn lan dẫn đến “khủng hoảng thừa”. Song song đó, Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ phải kết hợp hài hòa với quy hoạch sử dụng đất; quan tâm đến yếu tố thị trường tiêu thụ và đánh giá tác động của quy hoạch đối với môi trường...

Với tư cách trực tiếp thực hiện quy hoạch, một số quận, huyện phản ánh: Công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp và ngành nghề nông thôn còn chậm phát triển; liên kết giữa nhà máy chế biến, cơ sở thu mua với nông hộ trong tiêu thụ nông sản còn hạn chế và thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn thiếu đồng bộ và chưa được đầu tư thỏa đáng sẽ là những cản ngại lớn khi triển khai thực hiện quy hoạch. Theo ông Trương Hoàng Phương, Trưởng phòng Kinh tế quận Ô Môn, Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ cần xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phải được vận dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể. Quá trình lập quy hoạch, ngành nông nghiệp cần chú ý đến việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Để làm được điều này, ngành chức năng thể hiện vai trò gắn kết để nông dân “bắt tay” làm ăn với doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp sẽ định hướng và tổ chức nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường..

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Để Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ thực hiện thành công, ngành nông nghiệp thành phố đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như: tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn... Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020. Trước mắt, dựa trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ sở ngành và địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh, bổ sung nhằm sớm hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định thành phố thẩm định, phê duyệt...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết