Bộ sách cung cấp một khối lượng tri thức lớn, khá đầy đủ, toàn diện và chân xác về vùng đất Nam bộ, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và hoạch định chính sách ở khu vực trọng yếu, năng động này của đất nước.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa giới thiệu đến bạn đọc bộ sách Vùng đất Nam bộ. Đây là một công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được tiến hành bởi đội ngũ các nhà khoa học có uy tín và chuyên gia hàng đầu về nhiều lĩnh vực. Bộ sách được đánh giá là cung cấp một khối lượng tri thức lớn, khá đầy đủ, toàn diện và chân xác về vùng đất Nam bộ, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và hoạch định chính sách ở khu vực trọng yếu, năng động này của đất nước. Bộ sách cũng cung cấp cơ sở lịch sử - pháp lý vững chắc phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Vùng đất Nam bộ là một công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được tiến hành bởi đội ngũ các nhà khoa học có uy tín và chuyên gia hàng đầu về nhiều lĩnh vực. Vùng đất Nam bộ gồm hai bộ chính. Bộ đầu được gọi là Bộ tổng quan, rút gọn với nhan đề: Vùng đất Nam bộ - Quá trình hình thành và phát triển. Bộ này do GS. Phan Huy Lê chủ biên.
Bộ tổng quan giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ
Bộ thứ hai là một bộ chuyên khảo gồm 10 tập, đi sâu nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của vùng đất phương Nam, từ điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo và thiết chế quản lý xã hội, quá trình Nam bộ hội nhập với khu vực và quốc tế. Các tập trong bộ này gồm:
- Vùng đất Nam bộ, tập I: Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, TS. Trương Thị Kim Chuyên chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập II: Từ cội nguồn đến thế kỷ VII, GS.TSKH. Vũ Minh Giang chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập III: Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, GS.TS. Nguyễn Văn Kim chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập V: Từ năm 1859 đến năm 1945, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn – PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập VI: Từ năm 1945 đến năm 2010, PGS.TS. Trần Đức Cường chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập VII: Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, GS.TS. Ngô Văn Lệ chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập VIII: Thiết chế quản lý xã hội, PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập IX: Tộc người và quan hệ tộc người, TS. Võ Công Nguyện chủ biên.
- Vùng đất Nam bộ, tập X: Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, PGS.TS. Võ Văn Sen chủ biên.
Bộ chuyên khảo gồm 10 cuốn đi sâu nghiên cứu nhiều vấn đề cụ thể
Trích phần mở đầu bộ sách
Vùng đất Nam bộ là một không gian địa lý và địa bàn hành chính thân thuộc, thiêng liêng của người dân đất Việt. Trải qua một quá trình hình thành, phát triển lâu dài, được bồi tụ chủ yếu bởi hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Mêkông, đây là nơi nền văn hóa Óc Eo và các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp từng phát triển huy hoàng rồi suy tàn theo năm tháng.
Vùng đất Nam bộ với cương vực như hiện nay bao gồm cả Đông Nam bộ và Tây Nam bộ – đồng bằng sông Cửu Long, có 17 tỉnh và hai thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích tự nhiên hơn 64.000 km2, dân số hơn 33 triệu người với nhiều tộc người tụ cư sinh sống, gồm các dân tộc ít người bản địa, các dân tộc thiểu số từ Trường Sơn – Tây Nguyên xuống, từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, một số ít người từ các nước khác đến, nhưng chủ yếu là vẫn là người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm.
Về mặt địa lý, nhìn từ Bắc vào Nam, Đông Nam bộ giáp cực Nam Trung bộ từ tỉnh Ninh Thuận, giáp Trường Sơn – Tây Nguyên từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; có đường biên giới trên đất liền với Campuchia từ Bình Phước tới Hà Tiên; có đường bờ biển trải dài từ Ninh Thuận tới mũi Cà Mau (Biển Đông) và từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên (biển Tây – vịnh Thái Lan). Nằm ở ngã ba đường giao thông quốc tế, Nam bộ có vị trí địa – kinh tế, địa – chính trị vô cùng quan trọng.
Với tư cách một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đa dạng tộc người, đa tôn giáo, giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược trọng yếu, từ lâu Nam bộ đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài, nhiều hội thảo khoa học về vùng đất này đã được tổ chức, nhiều công trình khoa học đã được công bố, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một công trình có tầm vóc, quy mô lớn nghiên cứu toàn diện, liên ngành để có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc, nhiều chiều cạnh về vùng đất phương Nam này.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng