Chặng đường 5 năm đầu thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết "tam nông") đưa nền nông nghiệp nước ta thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Xu thế đa dạng hóa tổ chức sản xuất phát triển song song với hình thức truyền thống như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, các nhóm kinh tế phi chính thức, dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản đang phát triển, gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và thương mại. Nhưng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn sản xuất
Đó là những vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo "Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn" diễn ra tại TP Cần Thơ vào ngày 4 và 5-9.
Nhiều mô hình mới
Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Nghị quyết "tam nông", ngành nông, lâm và ngư nghiệp của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm tương đối cao, bình quân toàn ngành là 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng (GDP). Sản lượng lúa tăng từ 39 triệu tấn năm 2006 lên 43,7 triệu tấn năm 2012. Việt Nam duy trì vị trí cường quốc về xuất khẩu nông sản, như: lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thủy sản, với giá trị xuất khẩu đạt mức cao nhất 27,5 tỉ USD vào năm 2012. Sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định: Kết quả này cũng nhờ nhiều phương thức hợp tác, liên kết theo chiều dọc mới xuất hiện thời gian qua trong các ngành hàng, chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Ngoài ra, thực tiễn còn xuất hiện các mô hình liên kết mới theo chiều ngang, liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau
Đây là những mô hình tổ chức sản xuất được xem là xu thế tất yếu, là tương lai của nền nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.
 |
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH |
Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) tại các tỉnh ĐBSCL là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tham gia mô hình, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ vật tư "đầu vào" và giải quyết rốt ráo "đầu ra", giúp tăng thu nhập từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha; chi phí sản xuất giảm 10-15%, trong khi sản lượng tăng 20-25%. Mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín như: mô hình chăn nuôi heo và gia cầm ở Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam; tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến cá tra của Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang... Ngoài ra, hàng trăm HTX kiểu mới được hình thành và phát triển trong thời gian gần đây sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ. Điển hình: HTX Thủy sản Thới An với mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ở TP Cần Thơ; HTX Chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng; HTX Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Tân Cường của tỉnh Đồng Tháp
Các HTX này đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất cả ở đầu vào và đầu ra cho hộ xã viên như cung cấp vật tư, phân bón, nguyên liệu thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm... Nhờ có HTX mà kinh tế hộ xã viên không ngừng phát triển, đời sống của bà con nông dân ngày càng nâng cao
Nhận diện thách thức
Thành công bước đầu của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp đang mở ra tương lai cho sự phát triển của nền nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển và nhân rộng đối với các mô hình mới này vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Lê Quốc Doanh cho biết: Quan niệm về CĐML chưa thống nhất giữa các địa phương và các bộ, ngành. Nhiều mô hình CĐML mới chủ yếu tập trung hỗ trợ được đầu vào mà chưa hỗ trợ, giải quyết được những khó khăn của đầu ra cho nông sản hiện nay. Sự liên kết và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hòa. Một số mô hình liên doanh, liên kết nhưng lợi ích của nông dân tham gia còn thấp, thậm chí nông dân mới chỉ hưởng giá trị ngày công lao động. Trong các chuỗi giá trị nông sản, đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn bất cập, vì thế giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao. Vì vậy, dù mô hình CĐML đã khẳng định chỗ đứng trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, nhưng diện tích áp dụng mô hình này vẫn chưa đến 10% tổng diện tích canh tác lúa trong vùng. Ở một số mô hình liên kết, tuy doanh nghiệp đã hỗ trợ giống, vốn đầu vào và chia sẻ rủi ro với nông dân nhưng số lượng hộ nông dân có đủ điều kiện để liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn ít. Đã có các mô hình hoạt động với quy mô khá lớn nhưng những lo ngại về sự độc quyền của doanh nghiệp hay sự phân phối lợi ích chưa thật hài hòa, hợp lý giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, đe dọa sự phát triển bền vững của mối liên kết.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi lực lượng sản xuất (số lượng các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp,
) liên tục phát triển thì các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương thích. Tình trạng manh mún đất đai vẫn chưa được khắc phục, vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển vùng không rõ ràng. Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn hay liên kết giữa nông dân và nông dân trong HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Ở một số mô hình, khi doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc tình trạng tài chính không minh bạch, nông dân dễ rơi vào khó khăn. Sự phát triển chậm và yếu của khu vực kinh tế tập thể đang hạn chế khả năng đầu tư và liên kết của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Việc thiếu các tổ chức đại diện của nông dân làm cho chi phí giao dịch và chi phí triển khai thực hiện các hợp đồng nông sản của doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để các mô hình ngày càng phát triển
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, để phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn việc liên kết sản xuất là ưu việt nhất. Với mô hình này, nông dân tham gia sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp, được doanh nghiệp đầu tư vốn đầu vào, đảm bảo đầu ra. Doanh nghiệp có lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cho xuất khẩu. Mở lối ra cho nông dân trồng lúa, GS.TS Võ Tòng Xuân, đề xuất mô hình Công ty cổ phần nông nghiệp (Cty CPNN). Nông dân trong tổ hợp có thể thành lập hợp tác xã, tập đoàn trang trại, hoặc cụm sản xuất, chỉ chuyên trồng/sản xuất một giống cây/con theo đúng chuẩn VietGAP mà thị trường đòi hỏi. Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty cung cấp vật tư đầu vào, và công ty chế biến tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành một Cty CPNN tại từng vùng qui hoạch. "Đây là một sự đổi mới cơ bản trong chính sách nông nghiệp của ta để thật sự chấm dứt thời kỳ nông dân làm tôi mọi để cho các doanh nghiệp làm giàu, chuyển sang thời kỳ nông dân làm chủ doanh nghiệp cổ phần để ngày càng đạt lợi tức cao hơn
" GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, phải liên kết vùng để tạo sự đồng thuận giữa các địa phương, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu trong chuỗi giá trị, lồng ghép công cụ chính sách
; lợi thế từng tỉnh trong chuỗi giá trị sẽ được phát huy.
Ông Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong tương lai phải xây dựng một nền nông nghiệp định hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến tăng trưởng về lượng. Bộ NN&PTNT khuyến khích hình thành, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng những quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp". Đây là tiền đề cho sự đổi mới các phương thức sản xuất, thúc đẩy các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐML, các chính sách phát triển bền vững các ngành hàng nông sản chiến lược như lúa gạo, chè, cà phê, cao su, thủy sản, chăn nuôi bò sữa, gia súc gia cầm
Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam, đề xuất: Chính phủ cần tăng nguồn lực đầu tư tương xứng với vai trò của nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ban hành chính sách bình ổn giá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; thành lập quỹ hỗ trợ nông dân trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch (trước mắt là sản phẩm lúa gạo), có cơ chế để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có trách nhiệm trong việc đầu tư, gắn kết với nông dân trong quá trình sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Chính sách tín dụng hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho các loại hình hợp tác vay vốn phát triển sản xuất. Vì vậy, phải có cơ chế, chính sách cho nông dân vay vốn hoặc các mô hình đều được vay vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các loại hình hợp tác xã
để quản lý, kinh doanh có hiệu quả, mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác.
T. LONG - M. THANH