10/04/2016 - 08:53

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THÔNG THOÁNG, CÔNG KHAI, MINH BẠCH

 

Đó là khẳng định của ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khi trả lời phóng viên Báo Cần Thơ vấn đề thành phố sẽ làm gì và làm thế nào để hội nhập, đưa Cần Thơ thành "đầu tàu" vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ông cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), phấn đấu thành phố Cần Thơ được đánh giá là "Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt".

Nỗ lực của "đầu tàu"

Sức nóng của hội nhập đang nóng lên từng ngày. Là trung tâm vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ có nhiều lợi thế hơn trong phát triển. Đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải (thủy, bộ, hàng không) của Cần Thơ tương đối hoàn thiện. Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng có điều tiết ngân sách về Trung ương. Đây là những lợi thế lớn để Cần Thơ thực hiện sứ mệnh trung tâm kết nối, đưa vùng ĐBSCL hội nhập bền vững.

* Trong vai trò "đầu tàu" của vùng ĐBSCL, Cần Thơ đã thực hiện những bước đi ra sao, thưa ông?

-Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Quyết định 366 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố động lực cho phát triển của khu vực ĐBSCL. Một số kết quả đạt được là: Trở thành đô thị loại I trước năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (bình quân 13,07%), chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện, thu nhập dân cư ngày càng tăng (hiện đạt 3.626 USD/người). Quy mô giáo dục đại học, cao đẳng đứng đầu vùng, chiếm 42,04% tổng số sinh viên và 36,5% tổng số giảng viên toàn vùng. Thành phố cũng tập trung đầu tư một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ khám chữa bệnh cho người dân địa phương và trong vùng ĐBSCL. Hằng năm, đáp ứng khám chữa bệnh cho 30% bệnh nhân ngoài địa bàn đến khám chữa bệnh. Theo đánh giá của các Bộ, ngành Trung ương thì từ khi Cần Thơ được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách "đầu tàu" cho cả vùng thì suất đầu tư phát triển tăng lên và đã tạo bước phát triển mới cho địa phương và khu vực.

TP Cần Thơ đang nỗ lực thực hiện vai trò "đầu tàu" vùng ĐBSCL (Một góc đô thị Cần Thơ). Ảnh: T.HÀ

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung ương, Cần Thơ cũng đang triển khai quyết liệt phát triển mạng lưới vận tải hàng hóa công cộng, hệ thống cầu đường liên thông trong thành phố và thành phố với khu vực; mở các tuyến vận tải kết nối với TPHCM, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Phnôm Pênh (Campuchia) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận tải hành khách, lưu thông sản phẩm trong khu vực. Đồng thời phát huy năng lực của cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, phát triển các đường bay mới kết nối với các tỉnh, thành bạn và quốc tế, đặc biệt là Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Quy hoạch để xây mới kết hợp với cải tạo các tổng kho trung chuyển hàng hóa và hình thành các cảng hàng hóa hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa ngày càng cao ở trong vùng và quốc tế. Song song đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng các sản phẩm công nghiệp chủ lực theo hướng vừa liên kết, vừa hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển trong vùng nhằm tối ưu hóa các nguồn lực. Hoạt động kinh tế dịch vụ là một trong những thế mạnh vốn có của thành phố, có tác động lan tỏa và hỗ trợ cho phát triển công nghiệp. Trong đó, hoạt động tài chính, ngân hàng là những dịch vụ có ý nghĩa quan trọng, là phương tiện thu hút các nguồn vốn trong nước, khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển Cần Thơ trở thành một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu khoa học với các tổ chức, đơn vị kinh tế trong toàn vùng và cả nước, khai thác có hiệu quả Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, UBND thành phố đã tổ chức triển khai và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP tại Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 28-5-2015, trong đó giao 36 cơ quan gồm Sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện và cơ quan liên quan thực hiện 9 nhiệm vụ và 63 nội dung công việc, từng nội dung được giao xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nhiệm vụ và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện.

* Môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố đã thực sự thông thoáng chưa, thưa ông?

- Thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xác định phải xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN và nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành chức năng đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), với mục tiêu phấn đấu TP Cần Thơ được đánh giá là "Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt", góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong 2 năm (2014 - 2015) thành phố đã tổ chức hơn 59 cuộc họp, giải quyết trên 78 vấn đề nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN. Bảo đảm các loại thị trường hàng hóa, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ,…vận hành đầy đủ, thông suốt và ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho phát triển. Với những việc đã làm trong công tác tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng minh bạch cùng với quyết tâm đẩy mạnh công tác CCHC, cải thiện vị trí xếp hạng PCI, thành phố sẽ nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước.

* Doanh nhân là chiến sĩ xung phong trên mặt trận hội nhập. Thành phố sẽ làm gì để hỗ trợ DN hội nhập bền vững?

- Để tiếp tục hỗ trợ cho các DN trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực tài chính để đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 62/KH-UBND triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - DN trên địa bàn thành phố dưới hình thức "Ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho DN", tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN và ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa sẽ được tăng cường nhằm bảo lãnh cho các DN tiếp cận được vốn vay tại các Ngân hàng thương mại khi có dự án khả thi. Thời gian qua, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng đã phát hành chứng thư bảo lãnh vay vốn cho 15 DN với tổng số tiền bảo lãnh là 30 tỉ đồng. Việc đưa Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ vào hoạt động cũng sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi cho các DN nhận được các hỗ trợ theo Quyết định số 1193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30-7-2015 như ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng và các hỗ trợ khác như hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hỗ trợ về đào tạo.

Phải có con người hội nhập

Có ý kiến cho rằng, chính sách, thể chế dù tiến bộ đến đâu nếu không có con người hội nhập thì cũng bị vô hiệu hóa bởi sự quan liêu, thiếu hiểu biết của cơ quan công quyền.

* Để chuẩn bị nguồn nhân lực hội nhập, thành phố sẽ làm gì, thưa ông?

- Hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu và rộng hơn, quy luật sinh tồn và đào thải ngày càng tỏ rõ sức mạnh trong cuộc cạnh tranh để tồn tại và phát triển của các DN. Nếu các chính sách và thể chế cùng với đội ngũ con người trong các cơ quan hành chính không được cải thiện, sẽ rất nhiều DN khó tiếp cận với quá trình hội nhập quốc tế.

Ngoài các giải pháp phát triển đồng bộ của thành phố, để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, trong tiến trình hội nhập và phát triển, đối với cơ quan công quyền thành phố cần thực hiện tốt một số nội dung như sau: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố trong việc thực hiện cải cách công vụ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức (CBCCVC). Đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý CBCCVC gắn liền với việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ của các ngành, các cấp, các địa phương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước, kiến thức về hội nhập quốc tế, các kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho CBCC. Đồng thời sử dụng thành thạo ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, đặc biệt tại các cơ quan liên quan đến hỗ trợ DN theo hướng sát với nhu cầu thực tế.

* Nhân tố con người rất quan trọng, nhưng phải trong môi trường luôn đổi mới. Chúng ta cần phải thấy con người phải có nhận thức đổi mới mới đem lại thành công. Nếu không thì sẽ bị hòa tan và thất bại khi hội nhập. Ông nghĩ sao?

-Thời gian qua, UBND thành phố phê duyệt 2 Đề án thuộc Chương trình thực hiện "Đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012-2020": Đề án "Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức hành chính"; Đề án "Thí điểm thi tuyển cạnh tranh chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ". Có thể nói, cùng với quá trình xây dựng và triển khai một số Đề án thành phần, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhất là chất lượng đội ngũ CBCCVC trong toàn thành phố.

Riêng năm 2015, UBND thành phố cử 68 trường hợp đào tạo, bồi dưỡng (trong đó: trình độ tiến sĩ: 4; thạc sĩ: 6; bồi dưỡng chuyên viên cao cấp: 10; bồi dưỡng chuyên viên chính: 7; bồi dưỡng khác: 41). Phối hợp với Trường Chính trị mở 06 lớp bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính cho 613 học viên; 1 lớp bồi dưỡng cho 80 cán bộ cấp xã; 1 lớp bồi dưỡng "Kỹ năng giao tiếp và tiếp nhận hồ sơ" cho 76 học viên là công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở ban ngành, UBND quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 9 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 835 lượt CBCCVC. Năm 2016, thành phố tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính cho tất cả công chức "một cửa" tại sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, thành phố phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ hợp tác nghiên cứu xây dựng Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 và nghiên cứu các chính sách đối với "đối tượng sinh viên là người Cần Thơ đang học ở nước ngoài tự nguyện phục vụ cho thành phố trong Chiến lược phát triển bền vững".

* Xin cảm ơn ông !

THU HÀ (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết