28/04/2016 - 21:22

KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2016)

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Bài 1: Ra sức bảo vệ và xây dựng chính quyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Thấm nhuần tư tưởng của Bác, ngay sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ bắt tay xây dựng chính quyền trong muôn vàn khó khăn, nhất là khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Nhờ khơi dậy sức dân, biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, 41 năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Thiết lập chính quyền nhân dân

Sau 30-4-1975, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban nhân dân (UBND) cách mạng TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tập trung lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, từng bước xây dựng đời sống mới. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ bước vào giai đoạn thử thách mới với quyết tâm cao độ…

Những nhân chứng lịch sử từng dạn dày vào sinh ra tử trong kháng chiến, dũng cảm trong thời bình như ông Phạm Văn Bé – nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Trưởng Ban An ninh tỉnh Cần Thơ (cũ) giờ đã tuổi cao sức yếu, nhưng khí thế hăng hái góp sức xây dựng xã hội mới của quân dân ta vào những năm đầu sau giải phóng là phần ký ức sống động không bao giờ quên. Ông Phạm Văn Bé bồi hồi nhớ lại: "Sau giải phóng, chúng ta chủ trương kêu gọi trình diện chứ không bắt giữ. Trong kháng chiến, lực lượng ta bị tổn thất nhiều, cán bộ chi viện không bao nhiêu, trong khi phải giáo dục, cải tạo, quản lý một lực lượng lớn đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, tội phạm từ chế độ cũ để lại nên rất khó khăn". Cùng với đó là tình hình an ninh trật tự ở thành phố diễn biến rất phức tạp, một số tổ chức phản động ra sức móc nối với binh lính, sĩ quan chính quyền chế độ cũ ngoan cố không ra trình diện cải tạo, thường xuyên hoạt động chống phá cách mạng. Đặc biệt, số tình báo và ác ôn lẩn trốn hoặc giả danh bộ đội tìm cách ám sát cán bộ, gây rối, làm mất an ninh trật tự khiến quần chúng nhân dân hoang mang. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là mở rộng chiến dịch tuyên truyền, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch, kêu gọi xóa bỏ hận thù, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, mọi người được tự do, bình đẳng.

Ông Phạm Văn Bé nhớ lại, lực lượng an ninh những ngày đầu sau giải phóng khoảng 200 người, vì vậy nhiệm vụ truy nã tàn quân và kêu gọi binh lính ra hàng, đi cải tạo là công việc rất nặng nề. Hầu như các cán bộ, chiến sĩ đều tập trung làm việc 24/24 giờ; cùng với sự hỗ trợ của nhân dân, tình hình an ninh trật tự từng bước ổn định, phục vụ tốt cho công cuộc kiến thiết đất nước. Theo ông Bé, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo là nhờ công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác cảm hóa giáo dục các đối tượng rất thành công. Nhờ sự giúp sức của nhân dân, lực lượng an ninh đã kêu gọi ra hàng và trình diện trên 42.800 sĩ quan, binh lính, công chức chế độ cũ; bắt giam và cải tạo 6.256 sĩ quan, binh lính ngụy, thu hơn 7.000 súng và 50 xe các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội và đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân.

 Phụ nữ thành phố Cần Thơ ra quân làm thủy lợi. Ảnh: QUANG THÁI

Sau giải phóng, Ủy ban nhân dân cách mạng các quận (Nhất, Nhì, Ba), 12 xã, phường thuộc thành phố được thành lập. Mỗi xã, phường có từ 5 đến 7 tổ nhân dân; mỗi khóm, ấp có từ 3 đến 5 tổ tự quản, tổ trưởng tổ tự quản do nhân dân bầu ra cùng với 336 địa phương quân thành phố, 383 tự vệ phường, khóm. Ở các huyện Ô Môn, Thốt Nốt, Tỉnh ủy tăng cường cán bộ ở Long Mỹ, Phụng Hiệp bố trí vào làm những vị trí chủ chốt, như: Bí thư xã, Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã, đồng thời tăng cường cấp ủy viên cho những nơi có số lượng đảng viên quá ít; đề bạt, phân công một số cán bộ chuyên môn về xây dựng kinh tế, văn hóa tại các địa phương. Trường Đảng thành phố mở lớp nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể cho đội ngũ cán bộ, quần chúng cốt cán của các chi bộ, các ngành. Theo ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên Ủy viên Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang (cũ), những ngày đầu thiết lập chính quyền nhân dân, lực lượng của ta vừa thiếu vừa yếu; vì vậy thành phố đề ra chính sách lưu dụng nhân viên, công chức chế độ cũ. Thành phố cùng các quận đã tiến hành phân loại, xét chọn hơn 20.000 nhân viên, công chức, lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật trong các nhà máy, xí nghiệp và viên chức trong bộ máy chính quyền chế độ cũ đưa đi học tập các chính sách mới của chính quyền cách mạng, sau đó trở về tiếp tục làm việc trong bộ máy chính quyền nhân dân… Các tổ chức, đoàn thể còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia các đội tự vệ; lực lượng học sinh – sinh viên xuống đường ủng hộ cách mạng tạo khí thế sôi nổi, kêu gọi binh lính ra trình diện, đồng thời triển khai nhiều biện pháp bảo vệ tài sản của nhân dân.

Chăm lo đời sống nhân dân

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ (cũ) kể, qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, vì vậy nhiệm vụ trước mắt là đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Lúc này, Khu ủy, Tỉnh ủy có chủ trương thành lập các nông trường sản xuất. Thực hiện chủ trương đó, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tiếp tục lên đường đương đầu với cuộc chiến mới – tình nguyện giúp dân khai phá những vùng đất hoang hóa, xây dựng nông trường và các khu kinh tế mới. Theo đó, Tiểu đoàn Tây Đô I tham gia sản xuất ở Bảy Ngàn, Tiểu đoàn Tây Đô III khai hoang và sản xuất ở Nông trường Quyết Thắng (nay là Nông trường Sông Hậu) và một lực lượng được cử khai phá và xây dựng Nông trường Phương Ninh, với mục tiêu đảm bảo sản xuất đủ lúa gạo, thực phẩm, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Phong trào tăng gia sản xuất ở nông thôn được đông đảo nhân dân hưởng ứng, hàng hóa từ nông thôn nhanh chóng "chi viện" cho khu vực nội thành. Đối với người không có cơ sở buôn bán ở thành thị được cấp đất sản xuất ở các vùng kinh tế ở Cờ Đỏ, Thốt Nốt. Ông Ba Ngay tâm sự: "Để khai phá vùng đất hoang hóa, nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia rà phá, tháo gỡ bom mìn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng của nhân dân khi vào sản xuất tại các nông trường, khu kinh tế mới". Trong tháng 6 và 7-1975, thành phố đã mở kho gạo 300 tấn cứu đói cho trên 30.000 người (kể cả gia đình và binh sĩ chế độ cũ); đồng thời, từ tháng 7 đến tháng 9-1975, Ban Hồi hương Trung ương Cục đã mở đợt vận động, tổ chức lựa chọn đưa 285 hộ, với trên 1.000 người từ nông thôn tản cư hoặc bị địch dồn ép ra những vùng địch tạm chiếm trong chiến tranh trở về quê cũ khai hoang, sản xuất và ổn định cuộc sống.

Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hậu Giang chính thức đi vào sản xuất thành phẩm (ngày 19-8-1986). Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên Ủy viên Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang (cũ), còn nhớ rõ: Sau ngày đất nước thống nhất, Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố cử cán bộ vào thay thế quản lý, điều hành hoạt động của nhà máy điện, nhà máy nước, khu kỹ nghệ, các ngân hàng, kho bạc, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trung tâm viễn thông, đài phát thanh, truyền hình và các cơ sở giáo dục – đào tạo trên địa bàn thành phố; đồng thời, sắp xếp lại các hợp tác xã thương nghiệp, các cơ sở kinh doanh. Giọng ông Hơn đầy tự hào: "Trong mỗi việc làm, cán bộ, đảng viên đều gương mẫu, không vun vén cho bản thân; hết lòng chăm lo, phụng sự nhân dân, vì vậy chính quyền nhân dân tuy còn non trẻ nhưng được nhân dân tin yêu và tín nhiệm". Như trong phong trào tổng vệ sinh đường phố, xây dựng cầu, đường, tạo điều kiện cho bà con lưu thông thuận lợi, cán bộ, đảng viên là lực lượng đi đầu; cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân học tập bổ túc văn hóa ban đêm, các lớp bình dân học vụ. Các cơ sở khám chữa bệnh cho người dân được sắp xếp lại. Trong đó, đã sắp xếp 3 bệnh viện ở thành phố, 15 trạm y tế phường – xã, 52 toán vệ sinh công cộng, tổ chức tiêm phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân. Tháng 9-1975, tỉnh Cần Thơ cũng đã khai giảng năm học mới ở 102 trường phổ thông, với gần 120.000 học sinh, 41 lớp bổ túc văn hóa cho 113 cán bộ, chiến sĩ. Trường Chính trị tỉnh mở 125 lớp đào tạo cán bộ dân vận cho trên 2.500 cán bộ…

Trong buổi đầu xây dựng chính quyền, tuy gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, song nhờ biết khơi dậy sức dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ đã hoàn thành trọng trách bảo vệ thành quả cách mạng và từng bước tổ chức xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn, tốt đẹp hơn. Nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo cách mạng tâm sự rằng: Bài học về khơi dậy sức dân chưa bao giờ hết giá trị, là yếu tố quyết định những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc đổi mới của thành phố nói riêng và của đất nước nói chung…

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết