25/07/2019 - 10:02

Tuyến đường sắt Trung Quốc xây ở Kenya

Xa xỉ và không hiệu quả 

Tuyến đường sắt mới từ thủ đô Nairobi đến thành phố cảng Mombasa dài 485km của Kenya do  Trung Quốc cấp vốn, xây dựng và vận hành tuy thu hút được nhiều hành khách hơn mong đợi nhưng lại là cái giá quá đắt cho đất nước Ðông Phi này.

Người dân Kenya đón chào đoàn tàu hỏa mới từ Mombasa đi Nairobi. Ảnh: AFP

Theo mô tả của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong, nhà ga mới nằm sát thủ đô Nairobi có kiểu dáng đẹp của một kiệt tác kiến trúc và người ta có thể dễ dàng ngộ nhận đó là nhà ga của một sân bay quốc tế hiện đại. Nhà ga này rất được hành khách ưa chuộng và thường bán hết vé trước  khi tàu hỏa  khởi hành.

Lớn nhất và đắt đỏ nhất

Với chi phí xây dựng 3,2 tỉ USD (có thông tin nói là 3,6 tỉ USD), tuyến đường sắt Nairobi-Mombasa là dự án kết cấu hạ tầng lớn nhất và đắt đỏ nhất của Kenya kể từ khi giành độc lập từ tay thực dân Anh năm 1963. Điều đặc biệt của công trình này là nó không chỉ được Trung Quốc cấp vốn và xây dựng mà còn đảm đương luôn khâu vận hành. Đây là loại đường sắt tiêu chuẩn, khổ 1,435m, có vận tốc 120km/h đối với tàu chở khách và 80km/h đối với tàu chở hàng. Trước khi có tuyến đường sắt này, hành trình bằng xe buýt từ Nairobi đi Mombasa có thể kéo dài 12 giờ đồng hồ, còn tuyến đường sắt Lunatic Express cổ lỗ sĩ từ thời thuộc địa Anh hiện nay có thể mất 24 tiếng đồng hồ.

Với giá vé 10USD hạng thường và 30USD hạng thương gia, nhiều hành khách coi tuyến tàu hỏa này là hợp lý. Từ cửa sổ, hành khách có thể ngắm nhìn rõ vùng đồng bằng; các loài voi, sư tử, trâu và hà mã thường xuyên được bắt gặp khi tàu đi qua Công viên Quốc gia Tsavo. Thoáng qua, dịch vụ tàu hỏa hành khách trên tuyến đường sắt này có thể là một câu chuyện thành công tuyệt vời khi nó vận chuyển khoảng 3 triệu lượt khách kể từ khi đưa vào vận hành hồi giữa năm 2017. Tuy nhiên, điều trớ trêu là tuyến đường sắt này ban đầu được thiết kế để vận chuyển hàng hóa.

   Năm 2014, khi Kenya quyết định nhận khoản vay 3,2 tỉ USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, mục tiêu của tuyến đường sắt từ Nairobi đến cảng Mombasa là vận chuyển hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sau đó mới đến góp phần giảm tải sự ùn tắc cho các tuyến đường bộ có chi phí cao và không được bảo hành tốt.

Không như kỳ vọng ban đầu, dịch vụ vận tải hàng hóa của tuyến đường sắt Nairobi-Mombasa kể từ khi khai trương đến nay gây nỗi thất vọng lớn. Báo cáo của cơ quan thống kê Kenya hồi tháng 4-2019 cho biết, doanh thu của tuyến đường sắt này trong năm đầu tiên hoạt động (năm 2018) chỉ vào khoảng 100 triệu USD, trong đó khoảng 86,3 triệu USD là từ vận tải hàng hóa. Trong khi đó, Chính phủ Kenya phải trả cho các công ty Trung Quốc hơn 120 triệu USD/năm cho phí quản lý. Nghĩa là, doanh thu của tuyến đường sắt Nairobi-Mombasa hồi năm ngoái không đủ trang trải chi phí hoạt động. Những người chỉ trích nghi vấn về tính minh bạch tài chính của dự án khi việc vận chuyển hàng hóa lại có chi phí cao hơn đường bộ.

‘’Bầu sữa’’ tài chính khó cai

Phương tiện truyền thông Trung Quốc thường sử dụng tuyến đường sắt Nairobi-Mombasa như là dự án kiểu mẫu trong Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình được phát động năm 2013. Thế nhưng, các nhà phân tích lo ngại hợp đồng cho vay rất thiếu minh bạch của Trung Quốc có nhiều điều khoản nguy hại, khiến Kenya có thể đánh mất tài sản chiến lược quốc gia của mình nếu lâm vào cảnh vỡ nợ. Ông Edward Ouko, tổng kiểm toán Kenya, hồi cuối năm ngoái đã viết thư cảnh báo Cơ quan quản lý cảng của Kenya, trong đó bày tỏ quan ngại các điều khoản vay nợ có thể khiến đất nước này buộc phải chuyển giao cảng Mombasa cho Trung Quốc.

Trung tâm phát triển toàn cầu có trụ sở tại Washington trong báo cáo hồi tháng 3-2018 cho biết, Kenya là một trong 3 quốc gia châu Phi có nguy cơ khốn đốn vì nợ do “dính bẫy” BRI. Hai nước còn lại là Ai Cập và Ethiopia. Một báo cáo tháng 12-2018 cho thấy Trung Quốc là nước cấp tín dụng lớn nhất từ bên ngoài cho Kenya, chiếm khoảng 22% tổng số nợ nước ngoài của quốc gia Đông Phi này.   

Giới chỉ trích lấy nước láng giềng phía Nam là Tanzania để cho rằng chi phí cho tuyến đường sắt Nairobi-Mombasa quá tốn kém và khó có thể sinh lời về lâu dài. Theo đó năm 2016, Tanzania đã hủy bỏ dự án đường sắt dài 2.200km từ vốn của Trung Quốc để ký hợp đồng với  các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha xây dựng một tuyến đường ngắn hơn với chi phí giảm gần phân nửa cho mỗi ki-lô-mét.

Hiện Trung Quốc cũng là nước cung cấp tài chính lớn nhất tại châu Phi. Báo cáo của tập đoàn kiểm toán Deloitte cho hay các nhà đầu tư Trung Quốc cấp vốn cho 1/5 dự án và xây dựng 1/3 dự án ở đây. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Phi, lục địa đen mỗi năm cần khoảng 130-170 tỉ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Thế nên các chính phủ chỉ có cách là luôn sẵn sàng nhận lấy những khoản vay từ Trung Quốc để san lấp sự thiếu hụt tài chính bất chấp rủi ro.

ÐỨC TRUNG (Theo SCMP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết