16/02/2021 - 18:42

WTO lần đầu có nữ lãnh đạo 

Trong cuộc họp Ðại hội đồng đặc biệt ngày 15-2, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức lựa chọn cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala (ảnh) làm lãnh đạo tiếp theo từ ngày 1-3 tới với nhiệm kỳ kéo dài đến hết tháng 8-2025.

Ảnh: EPA

Phát biểu sau khi trúng cử, Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala, 67 tuổi, bày tỏ vinh dự khi được các thành viên WTO chọn làm Tổng Giám đốc WTO, đồng thời nhấn mạnh còn nhiều công việc quan trọng phía trước phải làm cùng nhau. Theo bà Okonjo-Iweala, một WTO vững mạnh có ý nghĩa sống còn nếu muốn phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn từ sự tàn phá do đại dịch COVID-19. Bà Okonjo-Iweala mong muốn được hợp tác với các thành viên để định hình và thực hiện các chính sách nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, khiến WTO vững mạnh hơn, nhạy bén hơn và thích nghi tốt hơn đối với thực tế ngày nay.

Bà Okonjo-Iweala kế nhiệm ông Roberto Azevedo, người đã thông báo vào tháng 5 năm ngoái về việc từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ và đã rời WTO hồi tháng 8-2020. Việc bổ nhiệm bà chấm dứt nhiều tháng trì hoãn và phải mất hơn 6 tháng WTO mới thống nhất về một Tổng Giám đốc mới. Việc tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới tiêu tốn nhiều thời gian không chỉ vì WTO phải tìm được sự đồng thuận giữa 164 quốc gia thành viên mà còn do lập trường của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee. Việc ông Trump ra đi và bà Yoo Myung-hee rút khỏi quá trình tranh cử đã mở đường cho ứng viên đến từ lục địa đen.

Trong phản ứng đầu tiên, phó đại sứ Mỹ tại WTO David Bisbee khẳng định: “Mỹ rất mong muốn làm việc với bà Okonjo-Iweala để đảm bảo tổ chức này phát huy hết tiềm năng của mình như một cơ quan thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng thông qua thương mại”.

Là phụ nữ đầu tiên và người gốc Phi đầu tiên lãnh đạo WTO, nhiệm vụ của bà Okonjo-Iweala sẽ không dễ dàng. Vai trò của tân Tổng Giám đốc WTO chủ yếu giúp khôi phục lòng tin và hình ảnh của tổ chức, xử lý sự xáo trộn lớn trong thương mại quốc tế do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Tiến sĩ Okonjo-Iweala trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Nigeria trong các giai đoạn 2003-2006 và 2011-2015 và có một thời gian ngắn giữ chức Ngoại trưởng vào năm 2006. Bà Okonjo-Iweala là một nhà kinh tế và chuyên gia phát triển quốc tế nổi tiếng, từng tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế tại Ðại học Harvard và có bằng Tiến sĩ Kinh tế của Viện Công nghệ Massachusetts (đều của Mỹ). Bà Okonjo-Iweala cũng từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) trong 25 năm, vươn lên vị trí Giám đốc điều hành số hai vào năm 2007, xử lý danh mục đầu tư trị giá 81 tỉ USD ở châu Phi, châu Âu, Nam Á và Trung Á. Các hoạt động hiện tại của bà bao gồm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và đồng lãnh đạo chương trình COVAX, một sáng kiến để thúc đẩy tiếp cận bình đẳng với vaccine COVID-19.

WTO ra đời năm 1995 nhằm thúc đẩy buôn bán giữa các nước cũng như giải quyết tranh chấp thương mại giữa các quốc gia thành viên. Tiền thân của WTO là Thỏa thuận chung về thuế quan và thương mại (GATT), tổ chức được thành lập năm 1947  sau Thế chiến thứ hai cùng với những định chế kinh tế quan trọng khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

 QUỐC KHÁNH (Theo TTXVN. WTO)

Chia sẻ bài viết