19/09/2022 - 08:20

WHO quan ngại về thảm họa thứ hai tại Pakistan 

NGỌC HÀ

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, ngày 17-9, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra thảm họa thứ hai ở Pakistan, đó là làn sóng bệnh tật và tử vong sau thảm họa lũ lụt.

Người dân Pakistan bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đang sống trong các lều tạm. Ảnh: AFP

Tuyên bố của Tổng Giám đốc WHO nêu rõ nguồn cung nước sạch đã bị gián đoạn khiến người dân Pakistan phải uống nước không đảm bảo an toàn, có thể lây lan bệnh tả và các bệnh tiêu chảy khác. Nước đọng lâu ngày tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và gây các bệnh lây truyền như sốt xuất huyết và sốt rét. Ngoài ra, gần 2.000 cơ sở y tế đã bị hư hại hoàn toàn hoặc một phần và người dân phải di chuyển khỏi nhà khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ y tế thông thường. Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều ca sinh con không an toàn, nhiều bệnh tiểu đường hoặc tim không được điều trị, nhiều trẻ em không được tiêm chủng...

Tổng Giám đốc WHO cũng cám ơn các nhà tài trợ đã nhanh chóng phản hồi sau lời kêu gọi khẩn cấp, đồng thời khẳng định tiếp tục đánh giá quy mô của cuộc khủng hoảng và sẽ sớm đưa ra lời kêu gọi mới. Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ tài chính để ngăn chặn không để xảy ra thêm nhiều khó khăn cho người dân Pakistan.

Trong diễn biến liên quan, khi thăm các khu vực chịu ảnh hưởng do lũ tại huyện Sujawal thuộc tỉnh Sindh, Tham mưu trưởng Hải quân, Ðô đốc Muhammad Amjad Khan Niazi, cho biết Hải quân Pakistan quyết tâm duy trì các hoạt động cứu hộ và cứu trợ cho đến khi tất cả những người bị nạn được đảm bảo an toàn. Theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan, các trận mưa gió mùa lớn chưa từng có trút xuống quốc gia Nam Á này kể từ giữa tháng 6 đến nay đã khiến 1.545 người thiệt mạng, nhấn chìm hàng triệu ha đất và hoa màu, ảnh hưởng tới 33 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu trẻ em. Lũ lụt cũng đã làm hư hại 1,8 triệu ngôi nhà, cuốn trôi đường sá và phá hủy gần 400 cây cầu.

Liên quan tình hình dịch bệnh do lũ lụt triền miên, giới chức y tế sở tại thông báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực trên cả nước. Theo đó, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, miền Tây Bắc, ghi nhận tổng cộng 350 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại đây từ đầu năm đến nay lên 4.538 ca. Tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan, ghi nhận 388 ca mắc mới, nâng tổng số ca sốt xuất huyết tại đây lên 5.203 ca. Trong khi đó, tỉnh Punjab ở miền Ðông cho biết có gần 190 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh này.  

Ông Imran Baluch, người đứng đầu một bệnh viện ở Jafferabad thuộc tỉnh Baluchistan cho biết trong 300 người được xét nghiệm hằng ngày, gần 70% mắc bệnh sốt rét. Ngoài sốt rét còn ghi nhận nhiều trường hợp sốt thương hàn, nhiễm trùng da trong nhóm những người phải di dời khỏi nơi ở và sống hàng tuần trong điều kiện mất vệ sinh. 

► LHQ nỗ lực đưa hàng triệu trẻ em tại các vùng khủng hoảng tới trường

Từ Pakistan tới Ukraine đến những khu vực ở miền Nam Sahara tại châu Phi, các cuộc khủng hoảng và thảm họa liên quan đến khí hậu ngày một tăng đang khiến trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất, phải gánh thêm hậu quả là không được đến trường.

Phát biểu trước thềm một hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng giáo dục tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) trước khi diễn ra tuần lễ cấp cao của kỳ họp Ðại Hội đồng LHQ khóa 77, bà Yasmine Sherif - người đứng đầu Quỹ Education Cannot Wait của LHQ tập trung vào giáo dục ở các khu vực khủng hoảng, khẳng định thật khó có thể tưởng tượng việc “trẻ em mất đi mọi thứ, và hơn hết là mất quyền tiếp cận với nền giáo dục chất lượng”. Quỹ Education Cannot Wait ước tính hiện có khoảng 222 triệu trẻ em trên khắp thế giới bị gián đoạn việc học tập do xung đột hoặc các thảm họa liên quan đến khí hậu, trong đó có gần 80 triệu trẻ chưa bao giờ bước chân đến trường học.

Theo bà Sherif, hiện một số nước châu Âu chi trung bình khoảng 10.000 USD/năm để giáo dục 1 trẻ nhỏ, nên trong khi nếu trẻ em tại các vùng xung đột nhận được mỗi em 150 USD/năm, thì điều này cũng đã cho thấy một sự bất bình đẳng khá lớn. Không chỉ vậy, tại các nước diễn ra xung đột, trường học không những bị phá hủy mà còn biến thành các kho vũ khí.

Chia sẻ bài viết