06/05/2019 - 19:08

Webtoon Hàn lấn át manga Nhật 

Nhật Bản từ lâu tự hào là cường quốc truyện tranh (manga) nhưng sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài đã khiến ngành công nghiệp này đứng giữa ngã ba đường.

Sự phổ biến ngày càng tăng của truyện tranh trực tuyến (webtoon) Hàn Quốc đang dần che lấp sự hiện diện của manga trên thế giới. Trong những năm qua, webtoon Hàn Quốc bắt đầu xâm nhập thị trường Nhật Bản, nơi mà độc giả trẻ ngày càng quen với việc sử dụng thiết bị công nghệ và dần quên lãng các ấn phẩm manga in truyền thống. Tình trạng này đang đặt ra câu hỏi liệu các nhà xuất bản manga Nhật Bản vốn từ lâu đầu tư và nghiên cứu phát triển các ấn phẩm có nên chuyển sang webtoon để tăng cường tiếp cận với độc giả nước ngoài am hiểu về công nghệ.

Một quầy bán truyện tranh tại Nhật Bản. Ảnh: Japan Times

Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu hỏi trên nhưng đối với Hideki Egami, cựu chủ bút của Shogakukan, nhà xuất bản manga hàng đầu Nhật Bản, câu trả lời là nên. “Doanh số bán tạp chí manga tại Nhật Bản từ lâu đã đi theo chiều hướng giảm. Chúng ta không biết thị trường trong nước dành cho các ấn phẩm manga sẽ còn suy giảm bao nhiêu nữa. Các nhà xuất bản Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn mà họ không thể phớt lờ đối với độc giả kỹ thuật số và nước ngoài. Tôi nghĩ rằng webtoon là giải pháp hợp lý nhất” - ông Egami cho biết.

Khác với manga Nhật Bản vốn chỉ được bán ra với hình thức in và chỉ được quảng bá trực tuyến thông qua các ứng dụng, webtoon của Hàn Quốc được tạo ra nhằm phục vụ cho người dùng các thiết bị điện tử, với thiết kế được tối ưu hóa dành cho máy tính cá nhân hoặc điện thoại di động. Thông thường, người đọc webtoon chỉ cần lướt dọc màn hình máy tính hoặc điện thoại để xem các trang truyện đầy màu sắc, hoàn toàn trái ngược với manga truyền thống vốn thường chỉ có hai màu đen, trắng và được đọc theo chiều ngang. Và khi được tung lên các ứng dụng manga nổi tiếng ở Nhật Bản, các webtoon Hàn Quốc  ngay lập tức thu hút sự chú ý của độc giả trẻ. Trong đó, đáng chú ý nhất là hai webtoon “True Beauty” và “Lookism”. Cả hai hiện là webtoon có lượng độc giả cao nhất xứ Mặt trời mọc trong vòng 6 tháng qua.

Sự phổ biến của webtoon Hàn Quốc trên các ứng dụng manga Nhật Bản không chỉ là do bản dịch hay mà nó còn được địa phương hóa một cách tỉ mỉ dành cho độc giả Nhật Bản. Theo đó, tên, địa điểm và các danh từ riêng đều được “Nhật hóa”. Ngay cả các hình ảnh minh họa ban đầu cũng có thể được thay đổi để phù hợp với văn hóa Nhật Bản. Không những vậy, các webtoon còn được địa phương hóa bằng ngôn ngữ khác, chẳng hạn tiếng Anh. Lee Hyunseok, cựu chủ bút của tạp chí manga Young Gangan, cho biết đây là chiến lược tiếp thị rất quan trọng của các webtoon Hàn Quốc khi thâm nhập thị trường Nhật Bản, bởi độc giả Nhật thường phản ứng mạnh đối với truyện tranh từ nước ngoài. Một số người thậm chí còn đặt câu hỏi: “Tại sao lại có những nhân vật Hàn Quốc” hoặc “Tại sao chúng tôi phải đọc truyện tranh Hàn Quốc?”.

Không chỉ đối mặt với làn sóng webtoon từ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang đứng trước thách thức từ làn sóng webtoon Trung Quốc. Nắm bắt được thị hiếu của độc giả, Trung Quốc đã cho ra đời ứng dụng truyện tranh nổi tiếng có tên Kuaikan Manhua. Về cơ bản, ứng dụng này đang khiến cho các ấn phẩm manga gặp khó và biến không gian mạng thành “chiến trường khốc liệt” theo như lời của Yukari Fujimoto, chuyên gia nghiên cứu manga tại Đại học Meiji ở Tokyo.

“Không chỉ trên toàn cầu mà cả trong nước cũng vậy, ngày càng nhiều người trẻ Nhật Bản quay lưng với manga và dùng điện thoại thông minh để giết thời gian. Tôi không cho rằng văn hóa manga in sẽ biến mất hoàn toàn nhưng các nhà xuất bản Nhật sẽ mất khả năng cạnh tranh nếu họ chỉ tập trung vào nó” – chuyên gia Fujimoto lo ngại.

TRÍ VĂN (Theo Japan Times)

Chia sẻ bài viết