03/02/2008 - 20:29

Vượt vũ môn

Phi lê cá tra.

Miếng phi-lê trắng phau, mịn màng không chỉ để chào hàng cho bắt mắt. Trên bước đường mở cửa thị trường ra thế giới, sản phẩm cá tra Việt Nam với hương vị thơm ngon đã mau chóng trở thành “sứ giả” có duyên trong buôn bán làm ăn. Hơn 10 năm qua, mặc cho phải đối mặt với những biến động thị trường; với vô số trở ngại do “rào cản” kỹ thuật, cá tra vẫn tỏ rõ sức vẫy vùng mạnh mẽ. Sản lượng mỗi năm tăng lên liên tục. Năm 2007 đánh dấu sự kiện kỷ lục đạt sản lượng 1 triệu tấn, về đích sớm 3 năm so với dự tính của các nhà chuyên môn.

Kỳ tích

Bước sang năm mới 2008, ở “vương quốc” cá tra vùng ĐBSCL, nông dân nuôi cá và doanh nghiệp vui mừng ra mặt. Một năm làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, nhiều người phát tài. Câu chuyện bàn luận nuôi cá tra của nông dân bên hai bờ sông Tiền, sông Hậu trở nên xôm tụ, rôm rả. Nếu bét dèm như dân mới đào ao vào nghề chỉ cần qua vài vụ đầu có thể kiếm lời gỡ vốn. Còn với mấy “đại gia” mạnh vốn, rành nghề thì chỉ lo nghe ngóng thời giá mà “phất cờ” đón lấy cơ hội làm ăn.

Thấm thoát một năm trôi qua, tuy chi phí nuôi cá (giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản, xăng dầu...) đều tăng, nhưng được cái bù lại nhờ cá cũng lên giá cao. Dân bán cá nói hên nhứt là rơi vào ngay khi thu hoạch gặp giá lên “mút đọt” vượt mức 17.000đ/kg; kể cả lúc thị trường Nga “chập chờn” giá xuống, thấp gì cũng trên 12.000đ/kg. Bởi vậy, dân nuôi cá bây giờ nổi “đình đám” như xứ cù lao Tân Lộc (Cần Thơ) hay ở An Giang, Đồng Tháp... đua nhau sắm xe ô tô đời mới bóng loáng, đắt tiền. Mà có thật, đó không còn là chuyện lạ. Trong khi đó ở cánh cửa xuất khẩu, giới doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng gặp thời vận, “nở nồi” phát đạt, đầu tư mở rộng qui mô nhà xưởng, kho lạnh, khuếch trương cơ hội làm ăn. Được nước giá cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn giao dịch cũng theo đà nhảy lên.

Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định sơ bộ đến những tháng cuối năm 2007, giá trị xuất khẩu cá tra tăng 41%. Cá tra nguyên liệu dao động bình quân 14.000 đồng/kg, còn giá cá tra phi-lê ổn định 2,7-3,5 USD/kg, nghĩa là nằm ở mức đảm bảo cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều có lãi. Sự vững tin của các doanh nghiệp còn bộc lộ qua những cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm chào hàng vào những thị trường mới lập tức đã có khách mua. Cá tra Việt Nam đã mở rộng “đường bơi” tới 75 thị trường các nước, trong đó mạnh nhất châu Âu, châu Mỹ.

Theo tính toán VASEP trong tầm tay năm 2007, sản lượng cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã vượt mức 1 triệu tấn, chế biến xuất khẩu đạt 1 tỉ USD, góp phần nâng mức kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam hơn 3 tỉ USD. Một kỳ tích tuyệt vời, về đích trước 3 năm, nghĩa là phải đến năm 2010 so dự tính của các nhà chuyên môn.

Sức sống

Cá tra được đưa vào chế biến

Ngư dân, nông dân miền Tây từng hết lời khen ngợi họ hàng cá da trơn: nào là cá lăng vàng, bông lau, vồ đém... thịt ngọt lịm mỡ màng nào thua kém gì cá tra, ba sa. Tuy vậy có vào “đường đua” mới biết loài cá tra vượt trội. Ngoài sông sâu nước chảy vẫy vùng xuôi ngược, nhưng khi vào lồng bè hay sống “quần cư” trong ao hồ thì cá tra vẫn dễ ăn, mau lớn mà vẫn chắc thịt.

Quanh bàn trà cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói chuyện tương lai. Dân Âu-Mỹ vẫn ưa chuộng và lựa chọn sản phẩm thủy hải sản đặt lên hàng đầu. Người ta thích ăn cá chỉ vì mang lại lợi ích cho sức khỏe, không lo ngại dịch bệnh. Mới đây, các nước EU cắt giảm khai thác biển các loại cá thịt trắng. Đó là cơ hội cho cá tra. Miếng phi-lê thịt trắng tươi còn có ưu thế do cơ thịt vừa phải, vị ngọt, dễ chế biến. Giá thành phù hợp với đa số người thuộc tầng lớp trung lưu. Các doanh nghiệp tỏ ý phấn khích khi nghe nói sau công nghệ kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng, các nhà khoa học đang bước vào giai đoạn cuối trong công trình nghiên cứu thuần giống, chủ đích tạo miếng phi-lê cá tra sẽ dày và nặng hơn.

Trong 10 năm qua (1997-2006), diện tích nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL không ngừng tăng lên. Đến năm 2006 toàn vùng có 9.000 ha nuôi cá tra. Sản lượng cá nguyên liệu tăng, từ 22.500 tấn/năm (năm 1997) tăng lên 825.000 tấn/năm (năm 2006). Theo đà tăng trưởng này, đến nay toàn vùng ĐBSCL có hơn 70 nhà máy, với tổng công suất chế biến khoảng 1,5 triệu tấn cá nguyên liệu/năm, dư sức đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng cá tra quẫy đuôi ngoạn mục chỉ trong 2 năm qua. Nếu như năm 2005 đạt sản lượng 385.000 tấn/năm thì đến cuối năm 2006 tăng vọt lên 825.000 tấn/năm và năm 2007 tăng trên 1 triệu tấn.

Sự thực là như vậy. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu báo tin cho hay, Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ của Viện đang thực hiện đề tài nghiên cứu “Cải thiện chất lượng di truyền chọn giống cá tra” đang phát tín hiệu rất khả quan. Thạc sĩ Đinh Hùng, thành viên trong nhóm nghiên cứu nhìn nhận chặng đường 4 năm đầu (2001-2004) từ Dự án hỗ trợ nuôi cá nước ngọt của DANIDA, kết quả tạo 3 đàn vật liệu ban đầu làm tiền đề cho chương trình chọn giống. Sang giai đoạn 2 (2006-2008), bắt tay thực hiện tăng trọng và tăng tỷ lệ phi-lê. Kết quả thực tế thu thập bước đầu cá tra chọn giống cho trọng lượng tăng trưởng 13% sau một thế hệ, hơn cá bình thường không chọn giống trong cùng điều kiện và tỷ lệ phi-lê tăng hiệu quả qua chọn lọc 0,9%.

Bây giờ ở “cái nôi” ươm giống thủy sản Nam bộ này có trong tay 500 con cá tra gốc ban đầu, mỗi cá bố mẹ trung bình nặng 7-8kg/con và hai đàn F1, mỗi đàn 600 con loại 1,2kg/con và 6kg/con. Từ đây, năm 2007, đàn cá tra giống tốt đã phát tán hơn 2.000 cá bố mẹ cho các trung tâm giống thủy sản An Giang, Đồng Tháp và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cá giống ở các tỉnh trong vùng.

Nắng đầu năm vàng ươm, tươi rói. Ngày ngày dân mê cá giống vẫn đội nắng phơi gió ngoài đồng ao. Mà nắng gió nào có sá gì với cánh kỹ sư trẻ, họ vẫn miệt mài cân đo, ghi chép, phân tích chỉ số của từng thớ thịt phi-lê. Đã mấy năm ròng rã theo từng vụ nuôi như vậy, chọn lọc từng con cá tra nhỏ bé 30g/con rồi cấy gắn chip điện tử theo dõi cho tới lúc đúng kích cỡ thu hoạch sau 5 tháng. Một minh chứng sức sống mới cho một đàn cá tương lai bơi xa.

HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết