05/08/2020 - 09:30

Vượt khó, tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn mới 

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Thế nhưng Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường và chưa biết khi nào chấm dứt. Tình huống này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt để ứng phó kịp thời và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Đây cũng là nội dung được đề cập xuyên suốt tại Hội nghị Giao ban ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) năm 2020 vừa diễn ra.

Nhiều địa phương linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong ảnh: Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm hỏi tình hình sản xuất của Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt.  

Tăng trưởng trong khó khăn

Bộ trưởng Bộ KH&ÐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong bối cảnh xuất hiện đại dịch COVID-19, Bộ KH&ÐT chủ động theo dõi, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình để kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp chính xác, hiệu quả, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành, phát triển kinh tế - xã hội. Việc “tham mưu trúng, đúng và kịp thời” của ngành KH&ÐT được thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Trong khi các quốc gia trên thế giới và trong khu vực đối mặt với suy thoái và tăng trưởng âm thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 1,81%. Mức tăng này không cao nhưng được đánh giá là tích cực trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo Bộ KH&ÐT, 6 tháng đầu năm, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết toàn quốc ước đạt trên 545 triệu USD, lũy kế giải ngân ước đạt trên 919 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 15,6 tỉ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ; giải ngân ước đạt trên 8,6 tỉ USD, bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ. Lĩnh vực quản lý đấu thầu và đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng đạt nhiều kết quả tích cực…

Bộ KH&ÐT tiếp tục duy trì và giữ vững vai trò là cơ quan tiên phong và đổi mới trong cải cách thể chế để phục vụ các mục tiêu chung; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho phát triển với vai trò là cơ quan kiến tạo, tham mưu chiến lược. Bộ đã tăng cường phân cấp, trao quyền chủ động trong đầu tư công cho bộ, cơ quan Trung ương và địa phương như: thẩm định nguồn vốn, giao chi tiết và điều chuyển vốn hằng năm giữa các dự án; cắt giảm 22 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý; bãi bỏ quy định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỉ đồng trở lên… Tình trạng các đề án không khả thi, chậm tiến độ, chất lượng không cao đã được giải quyết triệt để; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng được chú trọng. Tính đến ngày 30-6, Bộ đã trình toàn bộ 39 đề án, báo cáo được giao, đạt tỷ lệ 100%.

Chuẩn bị cho giai đoạn mới

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ KH&ÐT tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Từ đó, tổng hợp, phân tích, dự báo kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo điều hành, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch năm 2020, giai đoạn 2016-2020. Bộ tiếp tục triển khai hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, Luật Ðầu tư công, Luật Doanh nghiệp; tập trung triển khai các nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công sao cho đúng tiến độ; đảm bảo chất lượng các đề án, báo cáo được giao…

Theo ông Trần Duy Ðông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021 cần được triển khai đồng bộ, thống nhất và rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước. Ðồng thời, đề nghị các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách tăng cường giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm; nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giao bổ sung kế hoạch giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2020. Trong công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ KH&ÐT yêu cầu địa phương cần bám sát tình hình, đánh giá và dự báo xu thế chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài để có chiến lược thu hút, mời gọi đầu tư hợp lý và hiệu quả.

Về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, ông Ðinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, cho biết: “Thời gian qua các bộ, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác lập quy hoạch các cấp, bao gồm 3 quy hoạch quốc gia, 39 quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ðể hoàn thiện việc lập quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ KH&ÐT tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 làm cơ sở cho việc triển khai lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030. Ðồng thời, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh đảm bảo tính thống nhất; hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sau thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Một số địa phương cũng đề xuất, kiến nghị Bộ KH&ÐT tiếp sức để “mở đường” hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 cũng như những mục tiêu dài hạn. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kiến nghị Bộ KH&ÐT hỗ trợ đầu tư một số dự án giao thông kết nối trọng điểm trên địa bàn: đường tỉnh 917, 918, 921 từ nguồn ngân sách Trung ương; xem xét, chấp thuận đề xuất Chính phủ cho TP Cần Thơ được tham gia Chương trình khoản vay hỗ trợ ngân sách và chính sách phát triển cho vùng ÐBSCL giai đoạn 2021-2025 (DPO). Ðối với Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, thành phố kiến nghị Bộ KH&ÐT đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho gian hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 6-2024 để hoàn thành các hạng mục công trình thiết yếu, đảm bảo mục tiêu dự án.

Bộ trưởng Bộ KH&ÐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Nước ta đang ở thời điểm phải tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 cao nhất có thể, tạo đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo. Do đó, ngành KH&ÐT phải tập trung cao độ để nghiên cứu, tham mưu những chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển, giải phóng nguồn lực cũng như phải đảm bảo chất lượng tốt nhất việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; công tác quy hoạch, lập kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Những tháng còn lại của năm 2020, ngành KH&ÐT tiếp tục nỗ lực đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, làm tiền đề để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới vững chắc hơn.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết