18/05/2009 - 21:11

Vượt khó, doanh nghiệp cổ phần mở rộng sản xuất kinh doanh

Đến nay, phần lớn các công ty cổ phần (CP) trên địa bàn TP Cần Thơ đã đại hội đồng cổ đông. Tuy năm qua đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng hầu hết các công ty CP vẫn tăng trưởng lợi nhuận, đạt mức chia cổ tức 2 con số. Hiện nay, nhiều công ty CP đang đặt ra mục tiêu là mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp tục giữ mức chia cổ tức trên 10%... trong năm 2009. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh thời điểm này thì khi kinh tế trong nước và thế giới hồi phục sẽ chậm trễ cơ hội đầu tư.

* LÀM ĂN HIỆU QUẢ

 Sản xuất dược phẩm ở Công ty CP Dược Hậu Giang. 

Năm vừa qua là năm đầy thách thức đối với doanh nghiệp, nhưng hầu hết các công ty CP trên địa bàn TP Cần Thơ đã trụ vững và vượt qua được “sóng gió” trên thương trường, đạt hiệu quả kinh doanh cao. Các công ty đạt lợi nhuận, cổ tức cao như Công ty CP Gentraco, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG), Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex)...

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Công ty CP Gentraco xuất khẩu gạo 250.000-300.000 tấn/năm, đạt tổng doanh thu hơn 3.688 tỉ đồng, tăng 1.713 tỉ đồng so với năm 2007, trong đó gạo xuất khẩu chiếm 68,51% tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế hơn 59,4 tỉ đồng. Năm 2008, Công ty Gentraco đạt lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 8.428 đồng/cổ phiếu, tăng 211% so với năm trước, mức chia cổ tức đến 61%.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gentraco, cho biết: “Năm 2008 là năm có nhiều thuận lợi chế biến và xuất khẩu gạo. Giá gạo thế giới tăng có lúc lên đến 900-950 USD/tấn, làm tăng mức lợi nhuận ngành gạo cũng như toàn công ty. Thị trường nông sản thế giới có nhiều biến động theo hướng nguồn cung không đủ cầu, thuận lợi cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, biến động tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng trong những tháng đầu năm 2008 đã làm công ty bị động tiền mặt trong thu mua gạo nguyên liệu và khó khăn do phần lớn vốn hoạt động từ nguồn vay ngân hàng, trong khi nhu cầu mở rộng phát triển ngành hàng kinh doanh, xây dựng mạng lưới tiêu thụ chịu áp lực về vốn, chi phí lãi suất tăng cao. Mặc dù vậy, năm 2008, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã đạt kết quả rất khả quan, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều vượt so với năm 2007 và kế hoạch đề ra”.

Một công ty có cổ tức năm 2008 ở mức cao nữa là TSC. TSC chuyên nhập khẩu phân bón, xuất khẩu gạo, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm xuất khẩu, hiện có khoảng 200 đại lý cấp I và trên 3.000 đại lý cấp II khắp miền Trung, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Năm qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn về vốn và giá cả phân bón biến động mạnh, nhưng kết quả kinh doanh năm 2008 của TSC vẫn đạt tổng doanh thu hơn 2.734 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 67,7 tỉ, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 8.148 đồng và đạt cổ tức 3.200 đồng/cổ phiếu. Còn doanh nghiệp có giá cổ phiếu nhất nhì của Việt Nam và được xem là blue-chip, đó là Công ty DHG, năm qua vẫn tiếp tục tăng trưởng với mức 2 con số. Năm 2008, DHG đạt tổng doanh thu 1.485 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 145 tỉ đồng, tăng 13% so với năm trước, tỷ lệ chia cổ tức 25%.

Thủy sản là ngành gặp trở ngại nhiều nhất về vốn, thị trường, nguyên liệu, song năm qua vẫn có không ít doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn đạt mức chia cổ tức 2 con số. Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Caseamex, cho rằng: “Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo cùng tập thể cán bộ công nhân viên công ty luôn năng động sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình thay đổi, tiết giảm chi phí trong sản xuất, bám sát kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh đã đề ra... Kết quả năm 2008, Caseamex đạt tổng doanh thu hơn 579,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 13,1 tỉ đồng. Đại hội đồng cổ đông Caseamex đã thống nhất chia cổ tức 21%, trong đó chia bằng tiền mặt 18% và 3% bằng cổ phiếu”.

* MỞ RỘNG ĐẦU TƯ

Theo nhiều doanh nghiệp CP trên địa bàn Cần Thơ, năm 2009 tuy còn không ít khó khăn, nhưng có nhiều cơ hội để mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh nhất là nhờ các gói kích cầu của Chính phủ hỗ trợ lãi suất 4% vốn vay ngân hàng. Tận dụng thời cơ, nhiều doanh nghiệp đã triển khai dự án đầu tư.

DHG với mục tiêu năm 2009-2013 là “ổn định thị phần-doanh thu-lợi nhuận”. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2009 là 1.500 tỉ đồng. DHG đã thông qua phương án đầu tư xây dựng nhà máy Non-ß Lactam với 4 tỉ đơn vị sản phẩm (khu I sản lượng 2,5 tỉ đơn vị sản phẩm theo tiêu chuẩn GMP-WHO, khu II sản lượng 1,5 tỉ đơn vị sản phẩm theo tiêu chuẩn GMP-EU), với tổng vốn đầu tư hơn 252 tỉ đồng. Dự kiến, đến quí III/2009 xây dựng nhà máy này và đến quí II/2011 hoàn thành. Đồng thời, năm 2009, DHG sẽ đầu tư 50 tỉ để xây dựng hệ thống bán hàng tại các tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bến Tre, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang nhằm đạt tiêu chuẩn phân phối thuốc tốt (GDP). Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT DHG, cho biết về dự án nhà máy mới là: “Cải thiện môi trường sản xuất đảm bảo yếu tố an toàn, mở rộng qui mô, công suất, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, tăng thị phần và tăng lợi thế cạnh tranh...”.

Caseamex cũng đưa ra 2 dự án đầu tư với tổng vốn gần 150 tỉ đồng trong kế hoạch năm 2009. Đó là, dự án đầu tư mở rộng nhà máy chế biến thủy sản và hệ thống thiết bị sản xuất hàng giá trị gia tăng và dự án đầu tư trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản. Đơn vị sẽ đầu tư 100 tỉ đồng cho dự án mở rộng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất 10.000 tấn thành phẩm/năm đối với cá fillet tươi, 2.000 tấn thành phẩm/năm đối với cá fillet tẩm bột và 300 tấn thành phẩm/năm đối với tôm tẩm bột. Áp dụng theo công nghệ cấp đông IQF hiện đại tiên tiến nhằm tạo sản phẩm mới có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh và đưa sản phẩm thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới. Đơn vị này còn đầu tư hơn 47 tỉ đồng cho dự án đầu tư trung tâm giống kỹ thuật thủy sản với diện tích 15 ha, tại xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Mục tiêu của dự án này là sinh sản 250 triệu cá bột/năm và sản xuất cá giống 50 triệu con/năm. Dự án sản xuất cá tra giống sẽ phục vụ được nhu cầu con giống chất lượng cao cho nông dân khu vực ĐBSCL phát triển nghề nuôi cá nước ngọt xuất khẩu.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết