18/11/2022 - 07:17

Vụ tên lửa ở Ba Lan chỉ là “tai nạn” 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Phía Ba Lan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều nhận định quả tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan gần đây nhiều khả năng là do lực lượng Ukraine bắn trong nỗ lực đánh chặn các cuộc tấn công của Nga và sự cố chết người này dường như là một tai nạn.

Khám nghiệm hiện trường vụ rơi tên lửa tại Ba Lan. Ảnh: AFP

Khám nghiệm hiện trường vụ rơi tên lửa tại Ba Lan. Ảnh: AFP

Trong cuộc họp báo ngày 16-11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng “khả năng cao” đó là tên lửa phòng không của Ukraine và đã rơi xuống Ba Lan trong “một vụ tai nạn” khi đang đánh chặn các tên lửa của Nga. Theo ông Duda, không có dấu hiệu cho thấy đây là cuộc tấn công có chủ ý nhắm vào Ba Lan và “thủ phạm” là tên lửa S-300 do Nga sản xuất.

Cả lực lượng Nga và Ukraine đều sử dụng đạn dược do Nga chế tạo trong cuộc xung đột, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Vụ tên lửa rơi làm chết 2 người bên ngoài ngôi làng Przewodow (Ba Lan), cách biên giới với Ukraine 6,4km về phía Tây, lại xảy ra gần như cùng lúc Nga trút mưa tên lửa dữ dội nhất xuống các thành phố của Ukraine. Trong ngày 15-11, Nga đã bắn 85 tên lửa vào Ukraine, chủ yếu nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng.

Sự cố tên lửa ở Ba Lan, quốc gia thành viên NATO, đã khiến đại sứ các nước thuộc khối quân sự này họp khẩn tại Brussels, Bỉ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nêu quan điểm không có dấu hiệu chỉ ra vụ việc trên là kết quả của cuộc tấn công cố ý từ bất cứ bên nào và lực lượng Ukraine không bị đổ lỗi vì bảo vệ đất nước trước cuộc tấn công của Nga. Theo ông, lỗi cuối cùng thuộc về Nga vì tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Khẩu chiến tại LHQ

Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã xung đột với Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 16-11 về trách nhiệm gây ra vụ rơi tên lửa tại Ba Lan.

“Thảm kịch này lẽ ra không xảy ra nhưng đã xảy đến bởi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các cuộc tấn công tên lửa gần đây của Mát-xcơ-va rót xuống cơ sở hạ tầng dân sự của Kiev”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh. Đáp lại, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Ukraine và Ba Lan tìm cách “kích động đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO”. Ông Nebenzia viện dẫn những phát biểu trước đó của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và giới chức Ba Lan cho rằng Nga chịu trách nhiệm cuối cùng cho vụ tên lửa ở Przewodow.

Từ Kiev, Tổng thống Zelensky nói với báo giới rằng ông không tin tên lửa rơi đó được bắn bởi lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã phản ứng với bình luận của ông Zelensky cho rằng tên lửa rơi xuống Ba Lan không có nguồn gốc từ Ukraine. “Đó không phải là bằng chứng”, chủ nhân Nhà Trắng nói.

Lỗ hổng phòng không của NATO

Ba Lan đã bắt đầu tăng cường khả năng phòng không từ lâu trước khi xảy ra vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ nước này, nhưng một tấm lá chắn kiên cố bảo vệ bầu trời dọc sườn Đông NATO vẫn chưa thấy sau nhiều thập niên bỏ bê.

Sự cố tên lửa tại Ba Lan có thể là một “lỗi kỹ thuật” xảy ra trong bất cứ cuộc xung đột nào, song vụ việc cũng tô đậm nhu cầu cấp thiết đối với NATO trong việc bịt các lỗ hổng phòng không bởi ngay cả những sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm. Một chuyên gia phòng không giấu tên của NATO nhận định trong khi các tên lửa phòng không hiện đại của phương Tây được thiết kế tự hủy nếu bắn trượt mục tiêu, thì các tên lửa cũ của Liên Xô lại không có cơ chế tương tự. Nếu bắn trượt mục tiêu, tên lửa kiểu cũ sẽ vẫn bay cho đến khi hết nhiên liệu và lao xuống. Các tên lửa cũ cũng có tỷ lệ bị lỗi cao hơn.

Hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không, chẳng hạn như hệ thống Patriot của Hãng Raytheon, có thể bắn hạ các tên lửa đang bay tới. Tuy nhiên, từ sau Chiến tranh Lạnh, nhiều đồng minh NATO đã giảm số lượng đơn vị phòng không loại này vì tin rằng mối đe dọa không còn lớn như trước. Đức từng có 36 hệ thống Patriot trong Chiến tranh Lạnh nhưng hiện chỉ còn 12, với 2 trong số đó đã được triển khai tới Slovakia.

 

Chia sẻ bài viết