11/01/2016 - 10:47

Vũ khí bí mật của Nga trong cuộc đua công nghệ toàn cầu

Nga đang sở hữu một Công viên Học thuật với đội ngũ kỹ sư hùng hậu, ngày đêm nghiên cứu từ ứng dụng điện thoại thông minh, máy chụp cộng hưởng từ (MRI) cho tới các phương pháp sản xuất mới phân compost từ giun đất. Nơi đây được xem là "trái tim" của Rừng Silicon – vũ khí bí mật của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu.

Công viên Học thuật tọa lạc ngay giữa một khu đất rộng ở Siberia, cách Thủ đô Mát-xcơ-va khoảng 3.000 km về phía Đông, nơi có nhiệt độ lên tới 30 độ C vào mùa hè và xuống còn -40 độ C vào mùa đông. Đây rõ ràng không phải là nơi để một trung tâm công nghệ mọc lên. Do đó, việc thuyết phục các chuyên gia đến đây làm việc là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, một khi đã đến, họ thường quyết định ở lại nơi này.

Quang cảnh bên ngoài trung tâm vật lý hạt nhân tại Công viên Học thuật. Ảnh: Guardian

 

Công viên Học thuật là một phần của kế hoạch nhằm làm sống lại Akademgorodok, thị trấn khoa học thời Liên Xô được thành lập ở đây vào năm 1957. Là đứa con tinh thần của nhà toán học Mikhail Lavrentyev và Thủ tướng Nikita Khrushchev, Akademgorodok được hình thành nhằm tập trung các nhà khoa học hàng đầu của đất nước về một nơi, tránh xa những ồn ào của Mát-xcơ-va. Nằm sâu trong khu rừng cách thành phố Novosibirsk khoảng 30 km về phía Nam, Akademgorodok được xây dựng như là một cơ sở của Đại học quốc gia Novosibirsk cùng với 15 viện nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xô-viết, chuyên nghiên cứu từ vật lý hạt nhân, địa chất cho tới tế bào học cũng như di truyền học. Lúc cao điểm, nơi đây có đến 65.000 nhà khoa học tham gia nghiên cứu.

Nhờ nằm tận trong rừng sâu, cuộc sống tại Akademgorodok đã "miễn nhiễm" trước sự can thiệp từ bộ máy trung ương. Các chuyên gia ở đây được sống trong những căn hộ rộng lớn, thoải mái tranh luận các vấn đề học thuật tại các quán bar và câu lạc bộ xã hội, cũng như đắm mình trên bãi biển nhân tạo.

Tuy nhiên, tự do học thuật tại đây đã bị hạn chế nghiêm trọng trong những năm 1970 dưới thời Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, khi mà các chuyên gia bị buộc phải phục vụ cho kinh tế và quân sự. Sau đó vào những năm 1990, sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết đã dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng, nhiều chuyên gia lần lượt chạy sang các nước phương Tây. Do đó, sau 30 năm là trung tâm nghiên cứu năng động, Akademgorodok đã trở nên đìu hiu, chỉ còn một số ít các chuyên gia làm việc bên trong các phòng thí nghiệm cũ kỹ.

Sau khi tới thăm các trung tâm công nghệ hào nhoáng ở Ấn Độ cách đây khoảng 10 năm, Tổng thống Putin đã quyết định biến Akademgorodok thành cái nôi sáng tạo mới của Nga. Hiện các "ông lớn" công nghệ của thế giới như IBM, Intel và Schlumberger đã mở các cơ sở ở đây nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ. Tổng cộng có khoảng 300 công ty hoạt động tại Công viên Học thuật trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất gốm sứ nano đến thiết kế đồ họa cho ngành công nghiệp giải trí Mỹ. Các công ty này hiện có gần 9.000 nhân viên, tạo ra thu nhập hàng năm khoảng 17 tỉ rúp (hơn 250 triệu USD).

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết