12/07/2021 - 12:53

Vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả 

Theo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2021, thành phố phát vay 396,405 tỉ đồng các chương trình tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho 12.438 hộ vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ và mua bán nhỏ, trong đó, có 3.367 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Có thể nói, nguồn vốn ưu đãi có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống người dân, là điều kiện tiên quyết để các hộ làm ăn, vươn lên khấm khá. Qua đó, tạo điều kiện hình thành nhiều mô hình sản xuất, mua bán, giúp nhiều hộ dân có việc làm, tăng thu nhập. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, các địa phương tích cực triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp giảm nghèo ngay từ đầu năm, trong đó, chú trọng chính sách mang tính căn cơ, bền vững như: tín dụng ưu đãi, dạy nghề, giới thiệu việc làm..., tác động đáng kể đến thu nhập, mức sống người dân.

Hộ dân xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai vay vốn trồng bưởi da xanh, cam xoàn.

Các quận, huyện chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay 21,260 tỉ đồng. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt vai trò “cầu nối”, kịp thời giải ngân vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân cũng như hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập tại chỗ. Hội Phụ nữ quản lý trên 1.337,4 tỉ đồng; Hội Nông dân quản lý trên 1.087,6 tỉ đồng... Nhờ thuận lợi tiếp cận vốn vay ưu đãi, kiến thức khuyến nông, kỹ thuật, nhiều hội viên đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Thới Lai có 2.465 hộ dân có nhu cầu vay 69,587 tỉ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Văn Cựng, ở ấp Trường Ninh 2, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để nuôi heo sinh sản trên 10 năm nay. Anh Cựng nói: “Mỗi năm, tôi bán heo thịt 3 đợt, lợi nhuận 50 triệu đồng. Tôi còn dưỡng heo con, bán giá 2-2,5 triệu đồng/con. Tôi đang đầu tư vốn trồng 2 công mít Thái đang phát triển tốt. Nhờ nguồn vốn vay cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nên tôi và nhiều hộ dân trong ấp mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp thị trường tiêu thụ”. Ở quận Cái Răng, 861 hộ dân có nhu cầu vay trên 43,5 tỉ đồng để mở rộng sản xuất, mua bán. Chị Hà Thị Bé, chủ tiệm tạp hóa khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: “Lúc đầu, tôi được vay 5 triệu đồng bày bán các mặt hàng nhu yếu phẩm. Dần dần, tôi vay 40 triệu đồng để mở rộng tiệm tạp hóa. Tôi tận dụng đất quanh nhà, dốc vốn tích lũy xây dựng 5 phòng trọ cho sinh viên thuê, ổn định thu nhập hằng tháng, cải thiện mức sống gia đình”. Còn anh Liêu Ngọc Sương, ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ, nói: “Nhiều năm qua, vợ chồng tôi vay vốn ưu đãi làm ruộng, nuôi heo, cá lóc trong vèo. Nhờ tính toán cân phân, tiết kiệm chi tiêu, vợ chồng tôi cất nhà tường khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản xuất, giảm công lao động, tăng năng suất, thu nhập”. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn hỗ trợ nhân rộng 27 mô hình sinh kế toàn thành phố, thu hút 140 hộ nghèo tham gia, số tiền 2,119 tỉ đồng. Các quận, huyện duy trì nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: trồng cây cảnh, thanh long, mận nhà lưới, củ cải trắng, vú sữa, sầu riêng, chanh không hạt; nuôi ốc bươu, gà thịt, vịt đẻ, heo sinh sản; sản xuất hủ tiếu, gia công cửa sắt, may gia công bao bì, bán nước giải khát chợ nổi Cái Răng, dịch vụ nấu ăn lưu động, chế biến hạt điều...

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới ở các địa phương. Thời gian tới, bà con mong muốn các cấp hội, đoàn thể địa phương tiếp tục phối hợp để phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, giúp đời sống người dân ngày thêm khởi sắc, đồng thời các cấp có giải pháp ổn định giá cả tiêu thụ đầu ra nông sản để duy trì và phát triển các mô hình làm ăn hiệu quả.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết