22/01/2021 - 10:38

Vitamin kẹo dẻo - “con dao hai lưỡi” đối với sức khỏe 

Về lý thuyết, vitamin được sản xuất dưới dạng kẹo dẻo (gummy vitamin) có vẻ là một lựa chọn “lợi cả đôi đường”, bởi chúng vừa ngọt ngào vừa chứa các dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần để duy trì hoạt động và luôn khỏe mạnh. Thế nhưng, cũng vì là dạng vitamin dễ bổ sung, nhiều người - đặc biệt là trẻ nhỏ - dễ dùng quá liều và gặp phải một số nguy cơ sức khỏe, điển hình như:

Dễ ngộ độc

Bà Serena Poon - một chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng người Mỹ - cho biết mối quan ngại chính của việc dùng quá nhiều vitamin dưới dạng kẹo dẻo là cơ thể có thể bị ngộ độc nếu tiêu thụ vượt hàm lượng được khuyến nghị. Theo đó, một số vitamin tan trong chất béo - như vitamin A, D, E, K và sắt - gây lo ngại nhất về việc dùng quá liều. Tương tự, một số vitamin tan trong nước có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nếu dùng quá liều gồm có: niacin, folate, vitamin B6 và vitamin C.

Nếu không dùng đúng cách, vitamin kẹo dẻo có thể gây hại cho sức khỏe người dùng. Ảnh: Hip2Save

Nguy cơ đào thải hết vitamin đã bổ sung

Trên thực tế, các loại vitamin tan trong nước sẽ bị đào thải qua nước tiểu nếu cơ thể không cần dùng đến chúng. Ðây là lý do tại sao nước tiểu có thể chuyển sang màu vàng tươi sau khi chúng ta ăn những viên kẹo bổ sung vitamin. Tuy không gây hại, nhưng điều này làm lãng phí tiền bạc vì hệ thống cơ thể thực ra có thể nhận được mọi dưỡng chất cần thiết thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Vì thế, nếu bạn đang theo đuổi một chế độ ăn đầy đủ rau củ, trái cây và thực phẩm lành mạnh, bà Poon khuyên không nên ăn thêm kẹo vitamin. Còn nếu nghi ngờ bản thân bị thiếu chất, bạn có thể nhờ bác sĩ kiểm tra nồng độ vitamin trong cơ thể và tư vấn cần bổ sung những dưỡng chất gì.

Dư đường

Lý do chính mà đa số mọi người thích dùng vitamin kẹo dẻo là vì chúng ngọt ngào. Trên thực tế, chuyên gia Poon cho biết một viên kẹo vitamin trung bình chứa 2gr đường. Vì thế, nếu ăn nhiều kẹo vitamin, thì lượng đường dung nạp cũng sẽ tăng lên. Việc liên tục ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân, viêm nhiễm, bệnh mãn tính, các bệnh về tim và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Ðược biết, lượng đường tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị cho nữ là 24gr và cho nam là 38gr.

Có thể dung nạp vitamin thiếu hoặc thừa so với con số mong muốn

Do đặc điểm kết cấu và thành phần dinh dưỡng mà các loại vitamin kẹo dẻo khó được sản xuất nhất quán về chất lượng. Theo nghiên cứu, các viên vitamin kẹo dẻo không chứa đủ lượng vitamin liệt kê trên nhãn. Trong khi đó, các nhà khoa học phát hiện vitamin trong kẹo dẻo thường phân hủy dần theo thời gian. Do đó, nhà sản xuất có thể tăng thêm lượng vitamin để “bù đắp” phần hao hụt hoặc khi đến tay người dùng, lượng vitamin thực tế trong kẹo đã giảm xuống mức thấp hơn lượng được ghi trên nhãn.

Nếu chỉ bị thiếu hụt một vài dưỡng chất, chuyên gia Poon khuyên bạn nên dùng thuốc hoặc viên bổ sung thông thường, như viên vitamin tổng hợp.

Nguy cơ rối loạn tiêu hóa

Các loại vitamin kẹo dẻo có thể chứa các thành phần gây kích ứng hệ tiêu hóa. Ví dụ, tiêu thụ quá nhiều vitamin C (trên 2.000miligram) có thể gây chuột rút, buồn nôn và tiêu chảy. Hơn thế nữa, vitamin kẹo dẻo có tỷ lệ rượu đường cao, nằm làm giảm lượng đường bổ sung mà không làm giảm hương vị. Trong khi đó, rượu đường được biết là có thể làm rối loạn tiêu hóa, đôi khi gây đầy hơi, tiêu chảy và thậm chí là hội chứng ruột kích thích.

AN NHIÊN (Theo Eatthis.com)

Chia sẻ bài viết