07/08/2022 - 10:02

Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút FDI

SONG NGUYÊN

Qua 2 năm chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tiến độ nhiều dự án chậm, chính sách ứng phó của nhiều quốc gia thay đổi… khiến các nhà đầu tư phải tính toán lại chiến lược đầu tư. Trong các khó khăn và thách thức, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2021 dù diễn biến toàn cầu phức tạp, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, nhưng dòng vốn FDI vẫn đạt mốc 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng; đặc biệt vốn mở rộng tăng mạnh đến 40,5%. Trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước thu hút thêm 15,41 tỉ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 11,57 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 20-7-2022, cả nước có 35.367 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 429,04 tỉ USD. Vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt gần 263,17 tỉ USD, bằng 61,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng 7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng cộng 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký 7 tháng năm 2022. Tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản, khoa học công nghệ; thông tin truyền thông…

Với lợi thế về tài chính và công nghệ, các doanh nghiệp FDI liên tục xuất siêu, bất chấp những thử thách, khó khăn của đại dịch toàn cầu và các tác động về giá cả nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng. Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng, ước đạt gần 158,9 tỉ USD (không kể dầu thô), tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu đạt gần 140,73 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 64,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022, khu vực FDI xuất siêu trên 18,17 tỉ USD không kể dầu thô.

Ðể tăng thu hút các nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, các địa phương cả nước đều xây dựng chiến lược thu hút đi kèm với các dự án mời gọi khả thi. Cùng với đó là việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm gạn lọc dự án FDI có công nghệ kém. Hiện cả nước có 335 khu công nghiệp, diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ bản để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước. Ðây là nguồn lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư FDI. Và nhiều khu công nghiệp cũng đang chuyển đổi mô hình đầu tư theo hướng phát triển bền vững, chú trọng môi trường, trách nhiệm xã hội… nhằm đón đầu xu thế phát triển xanh và yêu cầu của các nhà đầu tư FDI.

Chia sẻ bài viết