18/11/2009 - 09:48

Việt Nam - Mông Cổ 55 năm chặng đường quan hệ hữu nghị, hợp tác

Tổng thống Mông Cổ Nambaryn Enkhbayar (trái) tiếp thân mật Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm tháng 10-2008.

Cách đây 55 năm, ngày 17-11-1954, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ được thiết lập, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Chuyến thăm chính thức Mông Cổ tháng 7-1955 của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu và chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Trung ương đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yu Sedenban tháng 9-1959 đã đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên cho mối quan hệ hữu nghị hai nước.

Trong suốt 55 năm qua, Việt Nam và Mông Cổ luôn ủng hộ, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với nhau trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Tuy gặp không ít khó khăn nhưng nhân dân Mông Cổ đã tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã gửi tặng vải, len dạ, bánh mì, thịt hộp... nhiều gia súc để gây giống, chăn nuôi và nhiều khoản viện trợ không hoàn lại bằng tiền mặt. Từ năm 1956 đến 1990, tổng viện trợ Chính phủ của Mông Cổ cho Việt Nam trên 200 triệu tugrik (khoảng hơn 200.000 USD), 1,5 triệu USD (chuyển từ quà tặng 8,5 vạn gia súc thành tiền) và các khoản viện trợ của các tổ chức xã hội, trong đó có miễn phí hàng hóa quá cảnh bằng đường sắt; hàng tiêu dùng. Mông Cổ đã đào tạo cho Việt Nam trên 100 cán bộ khoa học kỹ thuật, chủ yếu là chăn nuôi, thú y.

Đáp lại tình cảm đó, nhân dân Việt Nam đã tích cực giúp đỡ Mông Cổ dưới nhiều tình thức, cử nhiều chuyên gia sang giúp Mông Cổ khảo sát và phát triển giao thông, trồng trọt, sửa chữa nhà cửa và phục chế các di tích lịch sử. Ta cũng đã viện trợ cho Mông Cổ lương thực, tài chính để giúp Mông Cổ khắc phục hậu quả thiên tai, xóa một phần nợ trong thanh toán thương mại, tiếp nhận và đào tạo sinh viên Mông Cổ trên nhiều ngành khác nhau. (Hiện tại có khoảng 50 sinh viên Mông Cổ đang học tại một số trường đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Việt Nam đã tặng trường phổ thông trung học mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Ulan-Bato một số máy vi tính, máy in, giúp xây dựng tượng Bác Hồ tại trường này.

Có thể nói, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam và Mông Cổ vẫn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực mặc dù còn có những khó khăn nhất định. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tiếp tục tác động đến đời sống của người dân, lãnh đạo hai nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để đưa đất nước vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội. Với sự cố gắng của hai bên, nhất là quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và phát triển trên mọi lĩnh vực. Trên cơ sở của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đã được thử thách suốt 55 năm qua, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam và Mông Cổ sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành công mới trên con đường xây dựng, phát triển đất nước vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

TTXVN

Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật Việt Nam-Mông Cổ đã họp khóa họp thứ 13 tháng 12-2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, thỏa thuận nghiên cứu tìm nhiều biện pháp để tìm cách khắc phục các khó khăn về giao thông, điều kiện kinh tế của mỗi nước, chi phí vận chuyển, khả năng thanh toán và cung cấp hàng hóa, nghiên cứu các biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác về kinh tế phấn đấu nâng kim ngạch trao đổi thương mại hai nước từ 5,7 triệu USD năm 2007 lên mức 10 triệu USD vào năm 2010.

Chia sẻ bài viết