12/12/2022 - 23:20

Việt Nam là cầu nối ASEAN và EU 

HƯƠNG GIANG (TTXVN)

Việt Nam có tiềm năng trở thành một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là nhận định được các chính trị gia, nhà phân tích và doanh nghiệp các nước châu Âu đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ ngày 14-12.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Thượng nghị sĩ Andries Gryffroy (ảnh), Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ cho rằng Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nền kinh tế Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và giá trị kinh tế của ASEAN với nhiều lợi thế như: môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu dùng ngày càng rộng mở, nền chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách đầu tư phát triển kinh tế, do đó, Việt Nam có vai trò quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN và EU. 

Nhấn mạnh vai trò cầu nối của Việt Nam giữa ASEAN và EU, ông Jeroen Cooreman, Vụ trưởng phụ trách quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Bỉ cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN - EU, phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, cam kết thực hiện định hướng của Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo, phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số... Những cam kết này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tại Glasgow (Anh) năm ngoái. Ông cho rằng điều này phù hợp với các ưu tiên của Bỉ cũng như chương trình nghị sự của EU.

Dưới góc nhìn của các tổ chức thương mại, Phòng Thương mại và Đầu tư vùng Flanders của Vương quốc Bỉ cho rằng ngoài vai trò cầu nối giữa thị trường hai khối, thị trường Việt Nam có dân số trẻ đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, thực phẩm, đồ uống và hậu cần.

Giám đốc Phòng Thương mại Bỉ Vlaams-Brabant, Daniel Vandenberghe khẳng định Việt Nam là thị trường tiềm năng và các doanh nghiệp Bỉ nói riêng cũng như các doanh nghiệp châu Âu cần đa dạng hóa thị trường, hướng đến cả khu vực Đông Nam Á. 

Đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ cảng biển tại Việt Nam nhiều năm, ông Marc Stordiau, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư và xây dựng cảng biển quốc tế (IPEI) của Bỉ cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang châu Âu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - EU hiện được đánh giá là đang ở mức cao lịch sử. Từ chỗ là một nước nhận viện trợ, đến nay Việt Nam đã trở thành một nước đối tác bình đẳng và cùng có lợi. Việt Nam và EU hiện có mối quan hệ rất sâu sắc, với nhiều khuôn khổ hợp tác, điển hình là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS), EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và là thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và EU trong 9 tháng năm 2022 đạt 57,11 tỉ euro, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 27,6 tỉ USD. Riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư đăng ký của EU vào Việt Nam đạt 2,2 tỉ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Liên quan đến Hội nghị cấp cao ASEAN - EU khai mạc ngày 14-12, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) đã ban hành Kế hoạch Hành động cho quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023-2027. Kế hoạch vạch ra 4 lĩnh vực hợp tác cần thúc đẩy, đồng thời nhấn mạnh hai ưu tiên chính là kinh tế - thương mại và chính sách an ninh.

Theo thông báo của EU, tại hội nghị cấp cao ASEAN - EU đầu tiên được tổ chức sau đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN về cách EU có thể mở rộng các thỏa thuận hợp tác kinh tế và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á. Đổi lại, EU có thể kỳ vọng các nước Đông Nam Á sẽ đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng cho các nước châu Âu.

Chia sẻ bài viết