13/12/2007 - 11:00

Việt Nam khẳng định tiếp tục nỗ lực xây dựng xã hội vì trẻ em

(TTXVN)- Ngày 11-12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh Thị Nhân đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ về các thành tựu và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện Công ước về quyền của trẻ em. Bà khẳng định: Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn tỏ rõ quyết tâm thực hiện các nội dung của Công ước về quyền trẻ em, coi đó là điều kiện cơ bản và thiết yếu đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Thụ hưởng từ quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng với tốc độ trung bình 7,5% trong cả thập kỷ qua, trẻ em Việt Nam luôn được nhà nước, gia đình chú ý quan tâm và đầu tư với mọi nguồn lực. Trẻ em Việt Nam ngày nay được sống trong một xã hội và cộng đồng an ninh và thịnh vượng hơn, tiến bộ trên mọi mặt từ thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 32,9% năm 2002 xuống 27,5% năm 2005, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống còn 23,4% vào năm 2006. Đến nay có tới 96% số trẻ dưới 6 tuổi được hưởng chế độ khám chữa bệnh miễn phí. 90% số trẻ được tiêm chủng mở rộng phòng ngừa 6 bệnh cơ bản là lao, bạch hầu, ho gà, sởi, uốn ván và bại liệt. Về giáo dục, cấp tiểu học thu hút 97,5% số trẻ đến trường, trung học cơ sở là 85%. Đặc biệt cả nước đã xây dựng 98 cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp không ít thách thức và khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và tử vong vẫn còn cao, vấn đề buôn bán trẻ em và tình trạng vi phạm Luật bảo vệ trẻ em vẫn còn tồn tại dai dẳng, vấn đề lạm dụng và nhiễm HIV ở trẻ em vẫn đáng lo ngại. Nhiều trẻ em sống trong các tình cảnh đặc biệt, sống lang thang có nguy cơ rủi ro cao chưa được kiểm soát. Trẻ em ở các vùng núi cao, vùng xa xôi và hải đảo vẫn phải sống trong tình trạng rất khó khăn cả vật chất và tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vẫn còn nhiều thiếu thốn và hạn chế. Dù có nhiều khó khăn như vậy nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm làm hết sức mình thực hiện thành công Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Công ước về quyền trẻ em và mục tiêu “Thế giới phù hợp với trẻ em”.

Chia sẻ bài viết