26/05/2022 - 10:44

Việt Nam đồng tổ chức thảo luận về bảo vệ nguồn nước trong xung đột vũ trang

Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), ngày 24-5, phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã cùng với phái đoàn Thụy Sĩ, Senegal, Slovenia, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Tổ chức vì hòa bình (PAX) đã tổ chức cuộc thảo luận trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ nguồn nước và cơ sở hạ tầng cung cấp nước trong xung đột vũ trang”.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Tuần lễ LHQ về bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang năm 2022. Tham dự thảo luận có đại diện các nước thành viên LHQ, các tổ chức quốc tế có liên quan, các tổ chức nhân đạo và bảo vệ trẻ em.

Tại cuộc thảo luận, các đại biểu đều chia sẻ quan ngại về hậu quả nghiêm trọng của việc phá hủy hoặc làm ô nhiễm nguồn nước trong xung đột vũ trang, cũng như những tác động tiêu cực của vấn đề này, đến môi trường sống và cuộc sống lâu dài của người dân trong đó có những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em. Tình trạng này diễn ra tại nhiều khu vực xung đột, điểm nóng trên thế giới, từ Trung Ðông tới Bắc Phi, trong đó có nhiều vấn đề đang trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an (HÐBA).

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định Việt Nam nhìn nhận an ninh nguồn nước là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển cho mọi quốc gia và cộng đồng; đồng thời bày tỏ lo ngại về những hệ lụy nhân đạo và khó khăn gây ra bởi việc phá hủy tài nguyên nước và cơ sở hạ tầng cung cấp nước trong các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi, trong đó có khu vực châu Phi và Trung Ðông khiến nhiều người bị mất nơi cư trú, gây ra các vấn đề về khủng hoảng di cư và y tế công.

Ðại sứ cho biết trong tháng 4-2021 khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch, HÐBA LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân, trong đó có hệ thống nước. Nghị quyết đã được 64 quốc gia thành viên LHQ đồng bảo trợ, trong đó có tất cả 15 nước thành viên HÐBA, qua đó khẳng định cam kết mạnh mẽ của HÐBA về bảo vệ dân thường, thúc đẩy tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.

KHẮC HIẾU

Chia sẻ bài viết