05/03/2023 - 08:17

Vị thế địa chiến lược của Philippines

ĐỨC TRUNG

Theo tờ USA TODAY, việc Mỹ được quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới tại Philippines là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan và ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nói cách khác, sự mở rộng hiện diện quân sự tại Philippines là một phần trong kế hoạch tái tổ chức lực lượng vũ trang của Mỹ dọc theo Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Úc và đảo Guam.

Việc sử dụng các cứ địa được tái cấu trúc tại Nhật Bản, Úc, Guam và Philippines sẽ cho phép quân đội Mỹ phản ứng nhanh chóng các cuộc tấn công tiềm ẩn của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan và các đồng minh của Mỹ tại khu vực. Tại Nhật Bản, thủy quân lục chiến Mỹ đang chuyển đổi một đơn vị hiện có tại đảo Okinawa thành lực lượng phản ứng nhanh vào năm 2025. Tại Guam, ngoài 2 căn cứ không quân và hải quân với khoảng 10.000 binh sĩ hiện nay, Mỹ còn đang xây dựng căn cứ mới cho 5.000 quân nhân đồn trú. Tại Úc, Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng cường luân phiên lực lượng không quân, bộ binh và hải quân, trong đó có tiêm kích và oanh tạc cơ B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, theo tờ Time, Philippines là nơi có vị trí địa lý chiến lược then chốt của Mỹ tại khu vực. Diane A. Desierto, giáo sư luật và quốc tế của Đại học Notre Dame (Mỹ), nhận định Philippines được đảm bảo mang lại cho Mỹ một loại khả năng tấn công mà căn cứ ở Okinawa hoặc căn cứ ở Thái Lan không thể mang lại. Bởi các căn cứ từ Philippines sẽ cho phép Mỹ tiếp cận các tuyến đường thủy chính ở Biển Đông, qua đó tạo điều kiện linh hoạt cho quân đội Mỹ trong việc thực hiện các cam kết không chỉ ở Đông Bắc Á mà cả Đông Nam Á.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. dù cho rằng việc cho phép Mỹ tiếp cận thêm nhiều căn cứ quân sự là nhằm đảm bảo an ninh trước thách thức chủ quyền ở Biển Đông nhưng cũng thừa nhận với vị trí gần eo biển Đài Loan, Manila khó đứng ngoài trong một cuộc xung đột khả dĩ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền của Hãng tin Nikkei, ông Marcos Jr. nói: “Khi nhìn vào tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, chúng ta có thể thấy rằng chỉ xét về vị trí địa lý, nếu thực tế có xung đột ở khu vực đó... thì rất khó tưởng tượng ra một kịch bản mà Philippines bằng cách nào đó sẽ không tham gia”.

Chia sẻ bài viết