27/02/2021 - 19:23

Vị thế của Trung Quốc tại Trung Đông

Trong 12 năm qua, Mỹ đã cố gắng tách khỏi Trung Ðông. Các cường quốc trong khu vực như Iran, Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ theo đó đã ra sức tìm kiếm đồng minh mới và cạnh tranh với nhau một cách gay gắt hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã là nước giành chiến thắng lớn nhất tại Trung Ðông thời “hậu Mỹ” .

Giờ đây, Bắc Kinh không chỉ trở thành “ông trùm” nhập khẩu dầu của Trung Ðông mà còn là cường quốc bên ngoài duy nhất có quan hệ chính trị và thương mại chặt chẽ với mọi quốc gia lớn nhỏ tại khu vực. Theo tờ Foreign Policy, Trung Quốc bắt đầu đưa ra chiến lược can dự mới vào Trung Ðông ngay sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố “xoay trục sang châu Á” vào năm 2011. Song, mọi hoạt động của Bắc Kinh dường như chỉ diễn ra trong âm thầm.

Khác với châu Phi, Trung Á, Ðông Nam Á và Nam Mỹ, những nơi Trung Quốc thường rầm rộ quảng bá việc triển khai các thỏa thuận trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” trên các phương tiện truyền thông, Bắc Kinh luôn cố gắng giữ kín các giao dịch của mình tại Trung Ðông. Chẳng hạn, không nhiều người biết về sự hiện diện của công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc SenseTime tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong khi hầu hết các thỏa thuận BRI của Trung Quốc với các nước Trung Ðông đều không được thể hiện bằng tiếng Anh, tiếng Quan Thoại hoặc ngôn ngữ địa phương. Mặt khác, thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Iran trị giá 400 tỉ USD chỉ được công chúng biến đến khi nó bị rò rỉ.

Ðến nay, một loạt các quốc gia Trung Ðông đã tán thành hoặc cam kết hợp tác với BRI dưới hình thức này hay hình thức khác, gồm Ai Cập, Iran, Iraq, Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE. Tất cả dường như đều muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Ðây được xem là lời cảnh tỉnh dành cho Washington. Trong đó, quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Iran khiến Mỹ “đau đầu” nhất. Quan hệ Bắc Kinh - Tehran vốn ấm nồng trong nhiều thập niên qua được nhanh chóng cải thiện dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, người luôn “gây áp lực tối đa” lên chính quyền Tehran. Ðến nay, Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng lớn dầu thô của Iran và bán nguồn cung cấp viễn thông cho nước Cộng hòa Hồi giáo này, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tại Iraq, Bộ trưởng Ðiện lực nước này hồi tháng 10-2019 tuyên bố “Trung Quốc là lựa chọn chính của chúng tôi với tư cách là đối tác chiến lược về lâu dài”. Saudi Arabia thì đưa chương trình giảng dạy tiếng Hoa vào trường học. Bất chấp sức ép từ Mỹ, Saudi Arabia, UAE và Kuwait đều thuê “gã khổng lồ” viễn thông Huawei của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G. Ðáng chú ý, UAE là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vaccine phòng đại dịch COVID-19 của Công ty dược Sinopharm. Ngược lại, Trung Quốc cho phép UAE sản xuất vaccine của Sinopharm với công suất mục tiêu 75-100 triệu liều/năm, trong khi “tài trợ” cho Ai Cập và Maroc lần lượt 40 và 41 triệu liều. Các nước Jordan, Bahrain và Iraq hiện đã nhận các lô vaccine đầu tiên từ Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng tuy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Ðông không đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ, nhưng nó cho thấy lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực ngày càng giảm dần so với cách đây 1 hoặc 2 thập kỷ.

HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết