30/12/2017 - 16:55

Văn hóa truyền thống - Trăm năm vẫn trẻ

Vị Tết quê mình 

LAM TUYỀN

Với nhiều cư dân phố thị, hoài niệm về Tết luôn có tiếng ồn ã rộn ràng của chợ, của trống lân; có rực rỡ câu đối đỏ, mai vàng và đủ sắc màu bánh mứt; có mùi hương bánh tét, thịt kho, dưa hành củ kiệu…  Âm thanh, màu sắc và hương vị ấy mãi mãi là những ký ức đẹp khi nhớ về chốn quê thanh bình.

Ở Cần Thơ, có những bàn tay và tấm lòng thơm thảo, được truyền thừa bí quyết ẩm thực từ đời trước, rồi bằng sự tinh tế, khéo léo và năng động, đã đưa vị Tết quê nhà lan tỏa giữa nhịp đời hối hả.

1. Khách phương xa đến Cần Thơ, ngang qua quê lúa Vĩnh Thạnh đều dừng lại mua… chả lụa Kim Ngân (nằm trên trục đường chính đến thị trấn Thạnh An). Đây cũng là nơi mà giới truyền thông phong tặng danh xưng “đệ nhất chả miền Tây”.

Những ngày giáp Tết, cơ sở chả lụa Kim Ngân càng thêm rộn rã, tất bật. Trong tiết trời se lạnh buổi sớm mai, những làn khói nóng phả ra từ các nồi hấp chả, bảng lảng lướt trong không gian hòa quyện cùng mùi thơm của những đòn chả lụa vừa ra khỏi lò hấp. Đôi tay chai sần của chú Nguyễn Ngọc Đoán là minh chứng của mấy mươi năm theo nghề làm chả. Chú kể rằng, năm 1985, sau khi giải ngũ, trở về quê nhà, cưới vợ ra riêng với hai bàn tay trắng, vợ chồng chú làm đủ nghề để nuôi 3 con, trong đó có 2 người bị tật vì ảnh hưởng chất độc da cam. Cụ thân sinh của chú Đoán có nghề làm chả lụa bán cho bà con trong xóm, được nhiều người khen ngợi. Trước khi bà cụ qua đời, vợ chồng chú được truyền nghề.

Với gần 30 năm gìn giữ nghề làm chả lụa của gia đình, chú Nguyễn Ngọc Đoán chủ cơ sở chả lụa Kim Ngân đã đưa chả lụa trở thành món đặc sản của ẩm thực Cần Thơ.

 

Năm 1990, cơ sở chả lụa Kim Ngân ra đời. Vợ chồng chú còn mở thêm tiệm bán bánh ướt, để hằng ngày trực tiếp nghe khách hàng góp ý; qua đó, cải tiến kỹ thuật và cách nêm nếm cho đúng khẩu vị của khách. Có giai đoạn chả bán chậm bởi khách sợ hàn the. Vậy là chú tìm cách tăng độ dai của chả bằng rong sụn Nha Trang. Hay khi khách phàn nàn chả không để được lâu vì gói bằng ni lông và lá chuối, dễ hư trong tiết trời nóng ẩm miền Nam, thế là chú chi hơn 100 triệu đồng thử nghiệm đóng gói bằng nhựa phức hợp kháng khuẩn PA, có niêm yết rõ ràng ngày sản xuất và thông số sản phẩm…

Ngày thường, mỗi ngày vợ chồng chú Đoán cho ra lò gần 300 kg chả lụa. Bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp, đêm nào vợ chồng chú Đoán cũng thức cùng thợ để kịp ra lò mỗi ngày 1- 2 tấn chả phục vụ mùa Tết. Chả lụa Kim Ngân có mặt ở khắp cả nước và cả xuất ngoại. Chú Nguyễn Ngọc Đoán bộc bạch: “Chúng tôi không mở chi nhánh nên các nơi bày bán lấy tên chung là chả lụa Vĩnh Thạnh. Nghe thế, tôi rất biết ơn vì sản phẩm của mình được biết đến như một đại diện ẩm thực cho vùng đất này”.

2. Tết, không thể thiếu bánh tét. Và Cần Thơ nổi danh với bánh tét lá cẩm, với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng. Nhờ sức ảnh hưởng của những thương hiệu đã vững bền, nghề làm bánh tét phát triển mạnh, mỗi lò một thế mạnh riêng và lan tỏa theo cách của mình, đem vị Tết Cần Thơ đến nhiều nơi.

Bánh tét Ba Châu của bà Lê Thị Châu ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, là một trong những địa chỉ được nhiều người tin cậy. Bà Ba Châu theo nghề này từ thời còn con gái. “Ban đầu là phụ má gói cho gia đình và trong họ ăn lấy thảo vào những dịp đám giỗ, Tết. Bà con trong xóm ăn thấy ngon, nên nhà có đám tiệc hoặc Tết thì đến nhà tôi đặt bánh. Nhờ được truyền miệng mà bánh tét Ba Châu dần quen thuộc với khách hàng. Hiện nay, ngoài những mối ruột là bà con trong xóm, còn có khách từ thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng thường xuyên”. Có ngày khách đặt vài trăm đòn, bà Ba Châu phải nhờ bà con trong xóm đến phụ gói bánh; nhưng các khâu chính như chọn nếp, làm nhưn, canh lửa… đều do chính tay bà tỉ mẩn đảm nhận.

Bánh của bà Ba Châu đủ các loại nhưn: đậu mỡ, chuối, thập cẩm…, dây bánh buộc gọn gàng, chắc chắn và đều từng khoanh một. Cắt một khoanh bánh, bóc lớp lá chuối bên ngoài, đã tỏa nồng nàn mùi nếp- đậu chín thơm, thịt mỡ đậm đà… khiến người thưởng thức không khỏi nhớ những ngày Tết xưa cũ, líu ríu theo ngoại, theo mẹ gói từng đòn bánh, canh lửa chờ giao thừa.

3 .Người Cần Thơ vẫn giữ thói quen đặt bánh in của cô Lâm Thị Khuya (ngụ tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) vào những ngày lễ, đám tiệc. Những chiếc bánh in đậu xanh nước cốt dừa thơm ngon và gợi nhớ không gian đám tiệc miệt vườn xưa, là tinh hoa của tài khéo, cũng như tấm lòng của cô Khuya với ẩm thực truyền thống. Qua chiếc bánh in, ở đó còn có câu chuyện gia đình đằm thắm.

Cô Khuya với món bánh in đậu xanh nước cốt dừa nổi tiếng ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Cô Khuya tự hào nói rằng, nghề là do mẹ chồng truyền dạy. Hồi xưa, mẹ chồng cô nổi tiếng khắp xóm về tài làm các món bánh dân gian, trong đó có bánh in. Về làm dâu, cô Khuya được mẹ chồng yêu thương, cẩn trọng chỉ dạy các công thức làm bánh. Cô còn được cha chồng truyền cho những khuôn in bánh bằng gỗ hình bông sen, hoa lá, con cá… do chính tay ông chạm khắc khéo léo. Đến nay, cô vẫn giữ gìn và sử dụng những khuôn bánh có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ này. Bánh in của cô Khuya đắt hàng nhứt là vào mùa cưới hỏi, dịp Tết. Những cái bánh in nhỏ gọn trong lòng bàn tay, bề mặt có in hình bắt mắt, tỏa vị thơm béo của nước cốt dừa, lá dứa, đường cát, đậu xanh. Bánh đặt trong những chiếc hộp gỗ tinh xảo mời khách, như thay cho lời chúc của gia chủ đến khách rằng cuộc sống ngọt ngào, tinh tươm, thơm thảo. Vậy là, gần 20 năm qua, bánh in đã trở thành điểm nhấn trong số hàng chục loại bánh dân gian nức tiếng của cô Khuya ở huyện Phong Điền.

Ở Phong Điền, người ta cũng hay nhắc đến cô Sáu Phượng (tên thật là Trương Thị Hoa Lài), ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, với các món bánh mứt bình dị và gợi nhớ. Mứt chuối, mứt mãng cầu và bánh bông lan của cô Sáu Phượng là những món được yêu thích nhất. Trong đó, mứt mãng cầu là sản phẩm “cây nhà lá vườn” đúng nghĩa. Cô Sáu Phượng làm món mứt này vào mùa Tết, khi vườn mãng cầu xiêm nhà cô bắt đầu rộ trái. Mứt do tài khéo của cô Sáu Phượng làm ra có vị chua chua ngọt ngọt, mềm dẻo, để lâu không bị “lợi đường” nên ai ăn cũng thích.

Cô Sáu Phượng - một trong những nghệ nhân làm bánh dân gian của huyện Phong Điền.

 

Bao nhiêu năm qua, bánh mứt truyền thống vẫn là những lựa chọn không thể thiếu của bà con mình trong đãi khách ngày Tết. Chúng tôi vẫn giữ nghề làm bánh mứt do bà, do mẹ truyền đời, như góp phần gìn giữ hương vị ngày xuân cho con cháu, cho làng xóm”. Lời của cô Sáu Phượng có lẽ cũng là tâm tình chung của những người dành cả đời mình với ẩm thực dân gian ngày xuân.

May nhờ có họ, vị Tết quê nhà vẫn đậm nồng trong nhịp sống hiện đại!

Chia sẻ bài viết