Văn hóa truyền thống của người Việt- như nhiều nền văn hóa Á Ðông khác- nảy sinh từ môi trường sống của xứ nhiệt đới, sông nước, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn minh lớn. Con người Việt Nam, với tính cách năng động và hào sảng, lại khiến nền văn hóa đó khác biệt với các cư dân cùng cội nguồn như Thái Lan, Lào, Indonesia, Ấn Ðộ... Từ đó hình thành nên bản sắc riêng, biểu hiện qua vô vàn sắc thái, như: nếp sinh hoạt, ẩm thực, trang phục và những phương thức phát triển trong đời sống, làm nên bản lĩnh của văn hóa Việt.
Bản lĩnh đó thể hiện sức sống, sự từng trải, sự đối ngẫu một cách vững vàng của văn hóa truyền thống trước những đổi thay của xã hội và lịch sử. Bằng nhiều cách, những thế hệ người Cần Thơ tiếp nhận và phát triển sắc thái văn hóa truyền thống, làm nên hương sắc bất tận của những giá trị tưởng chừng xưa cũ.
Tha thướt Cần Thơ
Đăng Huỳnh
Tôi viết bài này trong cơ hồ nỗi nhớ. Nhớ dáng ai trong chiếc áo bà ba tóc buông dài chèo xuồng trên dòng Hậu Giang. Nhớ tà áo dài e ấp dạo bến Ninh Kiều. Và nhớ, những chàng trai cô gái Cần Thơ tuổi đôi mươi hôm nay xúng xính áo dài, áo bà ba trong những chiều lộng gió đầu xuân. Phải chăng, Tây Đô thêm quyến rũ, nồng nàn nhờ những tà áo tha thướt...
1. Mỗi lần nhắc đến áo bà ba, tôi lại nhớ bài hát “Áo bà ba” của cố nhạc sĩ Trần Kiết Tường- người con của quê hương Cần Thơ: “Trời thanh thanh nắng tươi êm đềm. Hồ Gươm vui sắc hoa xinh thắm. Ngời ánh nắng áo tím, áo xanh. Thoáng qua, thoáng qua, thoáng qua kìa áo bà ba”. Tôi tưởng tượng tác giả viết những câu hát này trong sự mừng rỡ đến ngỡ ngàng khi bắt gặp áo bà ba thấp thoáng giữa trời Thủ đô. Áo bà ba là trang phục của người miền Nam, nhưng lạ thay nhắc đến chiếc áo này, người ta lại nghĩ nhiều đến xứ Cần Thơ, nhớ dòng sông Hậu. Có lẽ vì vậy mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã viết “Áo bà ba” trong những ngày tập kết ra miền Bắc, gởi nỗi nhớ thương về người vợ Trần Tố Linh- cô thợ may khéo đường kim mũi chỉ ở Cần Thơ. Sau ngày trùng phùng ở Hà Nội, nàng dâu Tây Đô đã đem nghề may áo bà ba ra miền Bắc và làm đẹp cho bao nữ chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân… trong trang phục đặc trưng của người miền Nam. Bà Tố Linh nổi tiếng đến độ được mệnh danh là “nữ hoàng áo bà ba”.
Duyên dáng áo bà ba ở chợ hoa xuân bến Ninh Kiều.
Kể câu chuyện nhỏ để thấy rằng, người Cần Thơ đã từng làm rỡ ràng cho chiếc áo truyền thống. Để rồi hôm nay, những chiếc áo dài, áo bà ba vẫn được người Cần Thơ khoác lên người với sự dịu dàng, hồn hậu và duyên dáng. Năm 2014, Trúc Mai- một nữ sinh Cần Thơ đã đạt giải Người đẹp Áo dài trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Chia sẻ cảm nhận về chiếc áo dài, Trúc Mai nói rằng, đó là trang phục kín đáo, nhẹ nhàng nhưng thanh lịch, quyến rũ. “Thoáng thấy áo dài là thấy hình ảnh người Việt Nam”- người từng được vinh danh mặc áo dài đẹp nhất Việt Nam nói như vậy. Còn với Ký Quốc Đạt, chàng trai đất Tây Đô đoạt giải Á vương cuộc thi Người Việt Thế giới 2014, áo dài là trang phục gắn liền với niềm đam mê thời trang của anh. Nhớ lại khoảnh khắc khoác chiếc áo dài thi diễn tại cuộc thi Người Việt Thế giới tổ chức trên đất Mỹ, Ký Quốc Đạt hồn hậu: “Tự hào lắm khi giới thiệu được chiếc áo dài của dân tộc mình”.
Giữa nhịp sống của phố thị Cần Thơ, không khó để bắt gặp những chàng trai cô gái xúng xính áo dài, áo bà ba dạo phố, du xuân. Với nhiều người đó là cách để tạo ấn tượng, nổi bật. Karol, một phóng viên người Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi tình cờ quen trong chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng đã trầm trồ khi thấy cô gái trong chiếc áo bà ba tím chèo xuồng trên sông Cần Thơ. “Chiếc áo của cô ấy thật dân dã mà quyến rũ. Chắc đây là bản sắc của xứ sở bạn vì tôi bắt gặp nhiều người mặc chiếc áo này”- Karol nói. Và khi cô gái ấy ngước lên, sáng bừng nụ cười chào khách, có lẽ anh bạn Karol đã không khỏi nao lòng.
2 . Nhắc áo dài, áo bà ba mà không nhắc đến những người so từng đường kim mối chỉ tạo nên tấm áo, thì thật thiếu sót. Ở một đô thị lâu đời và sầm uất mệnh danh là “thủ đô của miền Tây”, không thể thiếu những thợ may, nhà may tên tuổi gắn liền với nếp sống thanh lịch, quý phái và điệu nghệ của người Tây Đô. Xa xưa, trong các tài liệu ghi chép của nhà văn Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Cần Thơ đã có những hiệu may, tiệm may đông khách; vài mươi năm trở lại đây thì có những nhà may nổi tiếng như: Nho, Tuyền, Thanh… Có những nhà may chỉ may duy nhất một loại trang phục: áo dài. Nhà may Ngọc trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Ninh Kiều là một điển hình. Học nghề may từ cô ruột là một thợ may áo dài nức tiếng Cần Thơ, cách đây 19 năm, chị Ngọc mở tiệm áo dài cho riêng mình và gắn bó đến tận hôm nay. 19 năm là khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ để khách tin và thương nét duyên dáng, nữ tính từ những chiếc áo dài do chị Ngọc khéo léo mối chỉ đường kim. Khách của chị Ngọc rất đông, may mãi thành bạn thiết thân với cô thợ. Thân đến nỗi khách nào cần rộng đường eo, ôm đường vai… chị Ngọc thuộc nằm lòng. Hỏi điều gì cần có của một người thợ để may nên những tà áo đẹp, chị Ngọc cho rằng: “Phải đặt vào đó tâm của mình!”.
Chị Bùi Thị Ngọc Phượng, ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, luôn có khách chờ vì chị may không xuể. Chị Phượng có thể may được cả áo dài và áo ba ba nhưng điệu nghệ nhất vẫn là chiếc áo bà ba. Đời truyền đời, nghề truyền nghề, từ những chiếc áo bà ba do má chị may tay hơn nửa thế kỷ trước, đến nay chị Phượng đã trở thành thợ may nổi tiếng vì cắt khéo may hay. Với tôi, chị thật là “nữ hoàng áo bà ba” với kho tư liệu phong phú về chiếc áo bình dị này. Cẩn thận tháo hàng chục áo bà ba treo trên móc xuống cho tôi xem, chị lý giải: đây là cổ lá trầu, đây là cổ trái tim; sao là trôn lá hẹ, sao gọi tay ráp lăng… Chị nói với tôi rằng, áo bà ba “chợ” không vừa bụng ở chỗ may bằng máy hết trong khi cái đẹp của áo bà ba nằm ở tài luông lai của người thợ. Vừa nói, chị vừa luông trôn lá hẹ cho chiếc áo bà ba trắng nhanh đến nỗi mắt không nhìn kịp.
Chị Ngọc, chị Phượng và còn nhiều thợ may khác nữa, đã có thương hiệu hay chỉ là “thợ miệt vườn”, đều nói rằng các chị vui vì bây giờ chiếc áo dài, áo bà ba được nhiều người lựa chọn. Khách của các chị không chỉ trong xóm làng mà có cả người nước ngoài, Việt kiều, chính khách… Họ muốn ướm thử nét duyên ngầm Tây Đô. Chị Ngọc nhẩm tính trung bình mỗi tháng tiệm may của chị cho thành phẩm khoảng 300 chiếc áo dài. Như vậy 19 năm trong nghề, chị đã may gần 65.000 chiếc áo. Nếu như giới trẻ bây giờ quay lại với áo dài kiểu xưa nghĩa là cổ nhỏ, không ôm và tà ngắn thì áo bà ba lại được cách tân theo kiểu bóp eo, bỏ túi, tay ráp lăng. Chị Phượng cười: “Có mấy em chừng 20 tuổi đến may năm, bảy cái áo bà ba. Có cô hướng dẫn viên nước ngoài đặt chị may rồi gởi bưu điện về nước của cổ. Áo bà ba giờ lại được yêu thích rồi”.
Có những chiếc máy may tuổi thọ bằng cả đời người, có những cây thước đo vải “lên nước” đỏ au được nâng niu từ những bàn tay khéo léo; và có những người thợ nặng lòng giữ nét tha thướt của Cần Thơ trong thời hội nhập. Để rồi, những tà áo truyền thống ấy sẽ làm thổn thức, xuyến xao cho ai đó khi bất chợt nghĩ về mảnh đất tên gọi Cần Thơ.