30/12/2017 - 16:38

Văn hóa truyền thống - Trăm năm vẫn trẻ

Giữ nghề 

Duy Khôi

Giữ nghề- câu chuyện không mới nhưng lại là bài toán khó cho các làng nghề truyền thống, nhất là trước xu thế thị trường, khiến không ít người ngán ngại. Vậy mà giữa đô thị Cần Thơ hôm nay, có những người âm thầm truyền nghề giữ nghiệp tổ tiên, để những sản vật miệt vườn thăng hoa và vươn xa. Những bàn tay tỉ mẫn, những tấm lòng thảo thơm đã giúp khách muôn phương hình dung rõ hơn về mảnh đất Tây Ðô: hiện đại mà giàu bản sắc.

Bà Hoa cùng hai con lựa hoa chuẩn bị giao cho các thương lái.

Gà vừa gáy sáng, điểm du lịch trải nghiệm nghề hủ tiếu Sáu Hoài ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, đã sáng đèn. Huỳnh Ngọc Diệp, chàng trai 29 tuổi, con chú Sáu Hoài, chuẩn bị bột, nhóm bếp lò để tráng bánh. Khi khói bếp lượn lờ tản mác trong ánh ban mai, cũng là lúc hàng trăm khách du lịch đến tham quan. Bằng tiếng Anh, Diệp vui vẻ chào khách, giới thiệu làng nghề, các công đoạn làm hủ tiếu một cách dễ hiểu và lưu loát. Ngơi tay, Diệp lại khiến khách trầm trồ khi chiên những sợi hủ tiếu mềm mịn, làm ra món “pizza hủ tiếu” độc nhất vô nhị. Nhẩn nha sợi hủ tiếu giòn rụm, hòa quyện cùng nước sốt, thịt, rau củ… khách bất ngờ trước món ăn lạ lẫm này, lại thêm thiện cảm với Diệp: trẻ tuổi mà chịu khó với nghề gia truyền.

Diệp là thế hệ thứ ba giữ nghề làm hủ tiếu truyền thống ở rạch Rau Răm. Từ nhỏ theo mẹ tráng bánh, chụm lửa lò rồi chạy nhảy giữa những liếp bánh tráng phơi, nghề gia truyền trở thành một phần cuộc sống của Diệp. Mấy năm đi học xa nhà, Diệp nhớ mùi bánh tráng, nhớ khói lam chiều của lò trấu… Học xong, anh cùng cha mẹ mở điểm du lịch rồi tự thân sáng tạo món pizza hủ tiếu, nay đã “ăn nên làm ra” nhờ nghề gia truyền. “Tôi nghĩ đó là quyết định đúng của đời mình. Mấy đời nhà tôi sống bằng nghề, giờ tới đời tôi, phải giữ và phải làm sao để phát triển”- Huỳnh Ngọc Diệp khẳng khái.

Ở Làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ (quận Bình Thủy), ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An, được xem là “cây đa cây đề”. Thế nhưng, không nhiều người biết vợ ông, bà Đỗ Thị Hoa, cũng là người nặng lòng với nghiệp tổ quê hương. Dẫn chúng tôi tham quan rẫy vạn thọ hoa trổ bông vàng rực, óng ánh trong nắng sớm, bà Hoa tỉ mỉ kể tháng mấy bỏ hột, bao nhiêu ngày lẫy đọt, xử lý ra bông… để vạn thọ kịp Tết. Bà nâng niu từng khóm hoa như “con cưng”. Bà tự hào kể rằng, bà là thế hệ thứ ba giữ nghề trồng hoa kiểng. Ông nội bà là một trong vài ba người đầu tiên khai mở làng nghề, vào những năm 1930. Lớn lên, bà Hoa lấy chồng về miệt vườn Tiền Giang. 10 năm xa vắng những vụ hoa Tết rộn ràng sắc màu, chịu không nổi, bà rủ chồng về lại Bình Thủy sống nhờ nghề trồng hoa. Đó là quyết định lớn của một người phụ nữ chỉ quen việc củi lửa, bếp núc. Vậy rồi gần 30 năm trôi qua, những liếp hoa cứ bung nở theo nhịp đời, nhịp phát triển của đất và người Bình Thủy. Ngó xa xa về mái nhà tường bề thế, bà Hoa khẽ khàng: “Nhà cửa, xe cộ, hai đứa nhỏ đi học cũng nhờ trồng hoa. Mình quý cái nghề của ông cha thì nghề không phụ mình đâu”.

*   *   *

Đất Cần Thơ với lịch sử hình thành trải nhiều đời người, làm nên những nét văn hóa rất riêng. Có những nét điệu nghệ trong tập quán, sinh hoạt, thuần phong mỹ tục; có những tâm hồn chuộng cái đẹp, những món ngon nhớ hoài… Hẳn nhiên, có những làng nghề truyền thống trăm năm, nơi lắng đọng và lưu giữ nếp sống của người Cần Thơ xưa và nay. Một làng nghề bánh tráng Thuận Hưng trắng màu bánh trong nắng sớm; những sợi lác sắc màu, go dệt bóng loáng do tay thợ nâng niu tháng năm ở làng chiếu Cái Chanh; làng nghề làm bánh Ba Rích ngạt ngào mùi vị quê hương… là những vốn quý của Cần Thơ. Tất nhiên, “hồn cốt” của những vốn quý ấy chính là những đôi tay cần lao, những tâm hồn trân trọng và lưu giữ nét xưa. Dì Hai Đẳng, người có thâm niên làm nghề dệt chiếu ở Thường Thạnh, Cái Răng, vẫn hay nói với tôi rằng: “Nghề này thiệt đúng là nghề đau xương sống. Vậy mà mấy mùa thiếu lác, phải treo go hàng tháng trời thì lòng dạ ai cũng héo như cọng lác, đi ra đi vào nhìn khung chiếu mà tặc lưỡi hoài”. Dì Hai năm nay đã ngoài 70 tuổi, còn con gái của dì, chị Thủy, nối nghiệp là đời thứ tư. Chuyện làm ăn của chị Thủy hanh thông khi đầu tư máy dệt, máy chẻ lác rất bài bản. Chị nói, chị thương nghề dệt chiếu lắm!

Huỳnh Ngọc Diệp giới thiệu với du khách món pizza hủ tiếu “độc nhất vô nhị” do anh sáng chế. Ảnh: DUY KHÔI

Người không bỏ nghề, nghề không phụ người. Mối ân tình cố tri đó bao đời nay vẫn được người Cần Thơ giữ vẹn. Mỗi làng nghề truyền thống có cái tâm của người kính nghiệp, có cả ước mơ về sự thăng hoa nghiệp tổ. Dọc những làng nghề Cần Thơ đã đi qua, tôi nhìn thấy ánh mắt rạng ngời của anh Diệp- pizza hủ tiếu, anh Cảnh- người nối nghiệp bánh hỏi mặt võng Phong Điền, chị Ba Lệ- người giữ bí quyết gia truyền bánh tằm tép Thới Long… Nghề của họ không chỉ làm giàu cho nhà mà còn làm đẹp cho đời. Nhìn hàng trăm du khách thích thú xắt sợi hủ tiếu của anh Diệp hay ngóng chờ những sợi bánh hỏi đan vào nhau như giăng tình kết nghĩa bung xòe từ bàn ép của anh Cảnh, mới cảm nhận được đó là cái kết không thể đẹp hơn của chuyện giữ nghề. Những làng nghề rất đỗi bình dân giờ là sản phẩm du lịch; những đôi tay chai sần sau bao ngày đảm đang, khéo léo giờ là nghệ nhân. Khách nước ngoài tìm đến đó để tìm một phần hồn cốt của Cần Thơ.

Tôi thích cách nói của những nghệ nhân lớn tuổi như dì Út Dzách làm bánh hỏi hay dì Hai Đẳng dệt chiếu: “Bây giờ người ta ưa cái gì dân dã!”. Tôi bắt gặp trong câu nói ấy niềm vui về sự đón nhận, trân quý của du khách dành cho các nghệ nhân. Cũng phải thôi, giữa xã hội bộn bề, hiện đại, giữa những thanh âm tưởng chừng vô tình của dòng đời hối hả, người ta lại thích tìm về thôn quê, tìm về những giá trị truyền thống. Đó là cách sống chậm, nghiền ngẫm Chân- Thiện- Mỹ của đời người. Thỉnh thoảng tôi lại tìm cô Hoa trồng hoa kiểng để nghe cô chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi lần gặp, tôi lại thấy nước da cô đen hơn, vóc người ốm hơn sau những ngày phơi mình trên cánh đồng hoa vạn thọ, cần mẫn trên những khóm cúc đồng tiền chuẩn bị bán Tết. Duy chỉ có điều không thay đổi là nụ cười của cô vẫn hồn hậu, tươi tắn như những nụ hoa xuân dần bung mình trong nắng sớm. Cô nói năm nào cũng vậy, tối 30 Tết mới có thời giờ sửa soạn nhà cửa ăn Tết vì bận bịu việc của hoa. Vậy mà ai cũng vui, niềm vui mang đến nét đẹp cho muôn người mỗi dịp Xuân sang.

*   *   *

Cố nhà  văn Sơn Nam có câu thơ rất hay rằng: “Phong sương mấy độ qua đường phố. Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Bất giác tôi nghĩ rằng, những tấm lòng trọn tâm gìn nghề, giữ nghiệp của tổ tiên như những “hạt bụi”, nhỏ thôi, khiêm nhường thôi, nhưng họ đã và đang “nghiêng mình” gieo những nỗi “nhớ đất quê” như thế đó.

Chia sẻ bài viết