10/01/2025 - 09:35

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Thời gian qua, tại TP Cần Thơ đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) giúp mang lại hiệu quả sản xuất, lợi nhuận cao cho người sản xuất và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố cũng đã phê duyệt và triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp CNC và xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa lớn, tập trung, thuận lợi cho ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp CNC tại thành phố vẫn còn gặp các khó khăn và cần được tháo gỡ kịp thời.

Ứng dụng các thiết bị cơ giới hiện đại vào sản xuất lúa giống tại Viện Lúa ĐBSCL

Chậm hình thành khu nông nghiệp CNC

Cần Thơ có hơn 114.160ha đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm sản xuất lúa đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn, sản lượng trái cây đạt 200.000 tấn, rau màu trên 200.000 tấn, thủy sản 220.000 tấn và trên 34.000 tấn thịt hơi các loại. Ðể thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7-4-2017 về xây dựng và phát triển nông nghiệp CNC. Ðồng thời, TP Cần Thơ cũng định hướng, quy hoạch phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao và mời gọi nhà đầu tư. Quan tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng CNC trong cả các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, cùng với các lĩnh vực sản xuất giống, bảo quản, chế biến và phát triển thương mại các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Hướng đến cung cấp các dịch vụ nông nghiệp CNC phục vụ cho cả vùng ÐBSCL.

Cần Thơ đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC. Tích cực tập huấn, hỗ trợ nông dân ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và máy móc hiện đại vào sản xuất gắn với tăng cường liên kết theo chuỗi. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện trên địa bàn thành phố đã có 212 mô hình ứng dụng CNC theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 738/QÐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Thành phố cũng thúc đẩy liên kết và hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Phê duyệt và triển khai thực hiện các đề án và kế hoạch phát triển nông nghiệp CNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp… Song, phải nhìn nhận rằng việc phát triển nông nghiệp CNC vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Ðáng chú ý, nhiều nông dân còn gặp khó về vốn, về khả năng tiếp cận, ứng dụng các CNC vào sản xuất nông nghiệp. Nông dân, doanh nghiệp còn ngại đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp CNC do vốn đầu tư lớn và còn dễ gặp các rủi ro, nhất là khi đầu ra sản phẩm chưa đảm bảo và các cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại vùng sản xuất còn hạn chế. Hiện cũng còn có ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC tại TP Cần Thơ và việc hình thành các khu nông nghiệp CNC còn chậm. Ðến nay, tại thành phố cũng chưa hình thành được Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ÐBSCL...

Cần các giải pháp đồng bộ, kịp thời

Ứng dụng CNC trong nông nghiệp đang yêu cầu cấp thiết và cũng là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Căn cứ theo Quyết định số 1519/QÐ-TTg ngày 2-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện TP Cần Thơ đã xây dựng Quy hoạch ngành NN&PTNT tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ. Quy hoạch đã xác định và đề ra cụ thể các phương hướng phát triển nông nghiệp, thủy sản và phương án phát triển khu vực nông thôn, trong đó có việc hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ và Thới Lai. Theo đó, Cần Thơ phát triển 7 khu nông nghiệp CNC và 2 khu chăn nuôi tập trung.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cờ Đỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cho rằng: “Cần có các chính sách ưu tiên, đặc thù, hỗ trợ vượt trội cho phát triển nông nghiệp CNC tại Cần Thơ, nhất là chính sách ưu đãi về tín dụng, về phát triển khoa học công nghệ và chính sách bảo hiểm để giúp người dân, doanh nghiệp giảm rủi ro. Có giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC. Về phát triển khu nông nghiệp CNC, thay vì triển khai đồng loạt 7 khu sẽ khó, Cần Thơ nên tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư và thực hiện trước một vài khu tại những nơi có các điều kiện thuận lợi và có lợi nhất…”. Theo bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện lúa ÐBSCL, với lợi thế là trung tâm của vùng ÐBSCL và có Viện lúa đặt trên địa bàn là một đơn vị nghiên cứu lúa hàng đầu của Việt Nam, TP Cần Thơ có đầy đủ năng lực phát triển ngành công nghiệp lúa giống không những phục vụ cho sản xuất lúa ở Cần Thơ mà cho cả vùng. Ðể làm được điều đó, Cần Thơ cần quy hoạch vùng sản xuất lúa giống, nâng cao năng lực của các hợp tác xã sản xuất giống lúa, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng thương hiệu, liên kết, tiêu thụ. Cụ thể như, liên kết với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hạt giống hình thành vùng sản xuất nguyên liệu sản xuất lúa giống tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến…

Ðể tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp CNC và sớm thực hiện đạt các mục tiêu, kế hoạch và định hướng quy hoạch đã được đề ra, tới đây ngành chức năng TP Cần Thơ cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của các bên liên quan. Quan tâm có giải pháp tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Trung ương và thành phố cho phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý môi trường… để thuận lợi hình thành các khu, vùng và doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Tăng cường đào tạo, tập huấn, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình hiệu quả trong ứng dụng CNC. Tăng thu hút đầu tư của xã hội, đa dạng hóa nguồn vốn nhằm giải quyết khó khăn về vốn cho phát triển nông nghiệp CNC và có giải pháp tăng cường liên kết, giúp nông dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp CNC đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết