"Novecento" của nhà văn Alessandro Baricco ra đời năm 1994 là một tác phẩm kinh điển của văn học Ý và thế giới, đã được chuyển thể thành kịch nói và phim điện ảnh, đều thành công vang dội, giành được nhiều giải thưởng cao quý. Tại Việt Nam, tác phẩm ra mắt độc giả năm 2024 với tựa đề: "Novecento - Nghệ sĩ dương cầm trên đại dương". Sách do NXB Đà Nẵng phối hợp PhanBook phát hành qua bản dịch của Quế Sơn.
Một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong phòng ăn hạng nhất của chiếc tàu biển sang trọng Virginian. Danny Boodman, một công nhân làm việc trên tàu, đã nhận nuôi cậu bé và đặt cho cậu một cái tên rất dài, rất đặc biệt: Danny Boodmann T.D. Lemon Novecento. Năm Novecento được 8 tuổi, cha nuôi của cậu qua đời vì tai nạn lúc đang làm việc. Khi cảnh sát lên tàu để đưa cậu bé đến trại trẻ mồ côi, Novecento đã trốn đi vài ngày và xuất hiện trở lại, gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người trên tàu khi ngồi bên đàn piano và chơi một bản nhạc tuyệt vời. Từ đây, số phận cậu bé gắn chặt với con tàu xuyên đại dương nối liền châu Âu và châu Mỹ vào đầu thế kỷ XX. Và cuộc đời của người nghệ sĩ dương cầm này có nhiều điều lạ lùng, khó có thể lý giải…
Câu chuyện được kể qua góc nhìn của Tim Tooney, người thổi kèn trumpet trong ban nhạc trên tàu và cũng là bạn thân của Novecento. Cách kể cô đọng nhưng giàu cảm xúc, pha lẫn chút hài hước đã dẫn dắt người đọc khám phá về cuộc đời của người nghệ sĩ có một không hai. Suốt hơn 30 năm cuộc đời, Novecento chưa từng rời khỏi tàu, chưa từng đặt chân lên đất liền. Thế nhưng, anh có thể nói về những vùng đất, những thành phố, những cảnh đẹp trên đất liền một cách tỉ mỉ, chi tiết như chính anh đã từng trải nghiệm thực tế. Cũng không có ai dạy anh học piano hay hướng dẫn về các thể loại âm nhạc. Vậy mà anh có thể đàn được tất cả, kể cả những bản nhạc khó hay chỉ nghe qua một lần. Đặc biệt, anh có thể sáng tác âm nhạc của riêng mình, lạ lẫm nhưng lại khiến người nghe như bị mê hoặc. Đến nỗi Jelly Roll Morton, người nổi tiếng với nhạc jazz, nghe danh Novecento đã lên tàu để thách đấu với anh. Kết cục, ông hoàn toàn tâm phục khẩu phục tài năng của anh.
Chỉ có thể lý giải những khả năng của Novecento là bởi anh có một trí nhớ siêu phàm, khả năng tiếp thu, cảm thụ âm nhạc và câu chuyện xuất sắc. Thế nên, dù chỉ nghe những hành khách trên tàu tán gẫu, trò chuyện, anh vẫn khiến mọi người kinh ngạc bằng tài năng thiên phú của mình. Nhưng người đọc vẫn không thể hiểu tại sao Novecento không chịu xuống tàu, vào đất liền dù chỉ một lần? Tại sao khi anh đã có động lực và quyết tâm rời khỏi chiếc tàu để khám phá thế giới nhưng cuối cùng lại thay đổi ý định? Ngay cả khi con tàu kết thúc sứ mệnh, bị hủy hoại mà Novecento thà chết cũng nhất quyết không lên bờ.
Câu trả lời do mỗi người tự cảm nhận khi cuối tác phẩm, tác giả dành riêng một đoạn độc thoại rất dài cho Novecento. Nhưng có lẽ, sự bí ẩn và những điều khó lý giải lại tạo nên sức hút lớn cho tác phẩm. Có thể Novecento có những giới hạn không thể bước qua. Giới hạn của thế giới trên con tàu giữa đại dương cũng giống như giới hạn của 88 phím trên chiếc đàn dương cầm mà anh say đắm.
Với mọi người, con tàu Virginian chỉ là một cuộc hành trình, một phương tiện để di chuyển nhưng với Novecento, chỉ ở nơi đó anh mới thực sự cảm nhận được hương vị, ý nghĩa của cuộc sống. Giống như Tim Tooney cảm nhận: "… Giờ đây tôi biết rằng ngày hôm đó Novecento đã quyết định ngồi trước những phím đàn đen trắng của cuộc đời mình và bắt đầu dạo một thứ âm nhạc phi lý và xuất chúng, phức tạp nhưng đẹp đẽ, thứ vĩ đại nhất. Và trên cái dòng âm nhạc đó anh sẽ nhảy múa suốt những năm tháng còn lại của đời mình. Anh sẽ không bao giờ không hạnh phúc nữa…".
Một sự lựa chọn để "sẽ không bao giờ không hạnh phúc nữa" cũng là lời giải đầy ẩn ý của tác giả dành cho nhân vật.
CÁT ĐẰNG