50 năm, những người lính của Ðoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 trở về chiến trường xưa, nơi diễn ra Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974. Nửa thế kỷ trôi qua, trên chiến trường xưa giờ là Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 pháo binh được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Tình đồng đội, nghĩa tình của những người một thời "chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng" vẫn ở lại, vẫn mãi xanh tươi như tuổi thanh xuân của họ nơi đất Vịnh Chèo.
Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND Hậu Giang (hàng trên, thứ hai từ trái qua) và Ban Tổ chức, các đại biểu thắp hương tại lễ kỷ niệm 50 năm Trận chiến Pháo binh Vịnh Chèo năm 1974.
“Sáng giờ làm như thấm mệt nguội! Nằm không muốn ngồi dậy, không ăn vô nhưng tinh thần phấn khởi, vui trong lòng lắm cháu ạ!", buổi chiều sau Lễ kỷ niệm 50 Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974, chú Nguyễn Sỹ Nhân nhắn với tôi như vậy. Tôi hiểu sự mệt nhọc, vất vả và càng thấu niềm vui của chú. Ðó là niềm vui hội ngộ, niềm vui được chăm lo cho đồng đội, kể cả người đã hy sinh lẫn người còn ở lại.
Chú Nguyễn Sỹ Nhân nguyên là Trung đội trưởng Trung đội ÐKZ, Tiểu đoàn 2315, Ðoàn 6 Pháo binh. Nói về chú, Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Ðoàn trưởng Ðoàn 6 Pháo binh, vắn tắt: "Không có Sỹ Nhân thì không có Khu tưởng niệm này". Quả vậy, công và tâm của chú dành cho Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 pháo binh lớn lắm. Tôi biết chú ngay từ những ngày đầu khởi công công trình ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Khi ấy, đó chỉ là khoảng đất rộng 5 công được UBND tỉnh Hậu Giang bàn giao, chưa có đường đi và cũng không có kinh phí xây dựng. Với sự hỗ trợ hết lòng của tỉnh Hậu Giang, Thiếu tướng Trần Văn Niên soạn thư ngỏ gửi các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9, rồi nhờ con cháu chở đến từng địa phương làm việc, kêu gọi hỗ trợ. Bên cạnh đó, chú Sỹ Nhân được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Vận động công trình. Chú không chỉ vận động mà còn trực tiếp từ TP Hồ Chí Minh về công trình để chỉ đạo thi công, giám sát, lo chuyện kinh phí.
Ðặc biệt, chú Sỹ Nhân đã kết nối Thượng tọa Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Long Hương (tỉnh Ðồng Nai) và vị Thượng tọa này đã hết lòng, đóng góp lớn để công trình Khu tưởng niệm được hoàn thành. Sau hơn 2 năm khánh thành, công trình có dấu hiệu xuống cấp và cần trang trí thêm cây xanh, hoa kiểng. Vậy là với sự trợ giúp của Thượng tọa Thích Tuệ Hải, chú Sỹ Nhân lại trực tiếp chỉ huy trùng tu, nâng cấp công trình.
Nhớ hồi dịch COVID-19 hoành hành, khi ấy công trình Khu tưởng niệm đang thi công dở dang, chú Sỹ Nhân đã không quản ngại đường sá, sức khỏe, có mặt thường xuyên ở công trường để coi sóc. Vừa lo hậu cần lại vừa lo tài chính, người đàn ông tuổi ngoài 70 vẫn rất tâm huyết với từng hạng mục, từng viên gạch, hòn đá cốt sao cho nơi thờ phượng Anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 pháo binh được tốt đẹp nhất.
Trước Lễ kỷ niệm 50 Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974, chú Sỹ Nhân đã có hơn 4 tháng về Hậu Giang lo chuyện chỉnh trang, nâng cấp Khu tưởng niệm. Vượt nắng, thắng mưa, tấm lòng của chú và với sự tài trợ tài chính của Thượng tọa Thích Tuệ Hải, công trình lại càng thêm khang trang hơn nữa.
Lễ kỷ niệm 50 Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974 được tổ chức rất trang trọng, rất đông những người lính của Ðoàn 6 pháo binh năm xưa về tham dự. Chú Sỹ Nhân "lo trong, lo ngoài", từ chuyện đón tiếp khách, hỗ trợ đồng đội có ít điều kiện để về tham dự, tặng quà bà con có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương… Chú nói: "Thượng tọa Thích Tuệ Hải tài trợ hết, chú rất mừng!". Dĩ nhiên, chú cũng bỏ ra số tiền không ít vì chuyện nghĩa tình với đồng đội. Trong ngày kỷ niệm, chú bắt tay mừng từng đồng đội, hỏi thăm sức khỏe của từng người. Ra về từ lễ kỷ niệm, ai cũng được tặng túi vải đựng đòn bánh tét, trên vải có in hình bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh. Ðó là ý tưởng của chú Sỹ Nhân và thầy Tuệ Hải với mong muốn hình ảnh, kỷ niệm về các Anh hùng liệt sĩ, về Khu tưởng niệm trên đất Vịnh Chèo sẽ theo chân đồng đội, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Qua đó, họ sẽ kể cho con cháu họ nghe về thanh xuân ở đất Vịnh Chèo "chân đồng, vai sắt". Sau lễ, chú còn thông báo tìm đồng đội có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ thêm.
Thiếu tướng Trần Văn Niên xúc động chia sẻ tại lễ kỷ niệm.
Do tuổi cao, sức yếu, Thiếu tướng Trần Văn Niên tưởng đã không thể đến dự lễ. Vị Tướng cao niên mất mấy ngày liền để viết lá thư gửi tới lễ kỷ niệm, nhờ lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang công bố. Nhưng rồi thầy Tuệ Hải, chú Sỹ Nhân thấu hiểu rằng, Thiếu tướng Trần Văn Niên là "linh hồn" của lễ kỷ niệm, sự có mặt của ông là món quà lớn lao vô cùng. Vậy là "chiến dịch chăm sóc đặc biệt" để đảm bảo sức khỏe vị Tướng 92 tuổi được triển khai nhiều ngày liền để khi ông xuất hiện trong buổi lễ, nhiều người, mà đầu tiên là chú Sỹ Nhân đã mừng rơi nước mắt.
Dự lễ, dù chỉ nói được một vài câu chào hỏi rồi ngồi vì mệt, nhưng ai cũng thấu hiểu tấm lòng của Thiếu tướng Trần Văn Niên. Trong lá thư, Thiếu tướng tâm tình rằng, những năm cuối đời ông có 2 điều ước. Một là mong sao xây dựng được Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 trên đất Hậu Giang và mong ước này đến nay đã đạt được rồi. Hai là mong ước tổ chức lễ giỗ 50 năm Anh hùng Liệt sĩ Ðoàn 6 pháo binh hy sinh tại Vịnh Chèo năm 1974 ở Khu tưởng niệm và chính nhờ có chú Sỹ Nhân và thầy Tuệ Hải, mong ước của ông lại thêm phần viên mãn. Trong bức thư ấy, chú Sỹ Nhân và thầy Tuệ Hải được ông nhắc nhiều nhất, bằng cả sự cảm kích và tri ân.
Chú Sỹ Nhân xúc động rà tên từng liệt sĩ trên bia đá.
Từ Cao Bằng vào tham dự lễ, chú Vũ Xuân Mỳ, một cựu chiến binh của Ðoàn 6 pháo binh, gia nhập đơn vị khi mới 18 tuổi, xúc động rằng, nhìn Khu tưởng niệm khang trang, ông cảm thấy rất vui vì đồng đội hy sinh có nơi thờ phượng trang nghiêm, để nhắc nhở con cháu hôm nay.
Còn chú Nguyễn Thế Bổn từ Bắc Giang vào dự lễ, kể rằng, chú tham gia Ðoàn 6 pháo binh từ năm 1971, gắn bó với đơn vị từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mặt ở Bình Thủy - Cần Thơ trong những ngày cuối tháng 4-1975 lịch sử, rồi làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, bảo vệ biên giới phía Bắc… Ngước nhìn bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 pháo binh, chú nói rằng, có cuộc sống hòa bình như hôm nay đâu phải dễ, bao xương máu đã đổ xuống, trong đó có đồng đội của chú. Sau 50 năm nhìn lại, vết thương chiến tranh có lẽ đã liền rồi, muốn thấy rõ chỉ có thể là ở Nghĩa trang liệt sĩ, ở các gia đình liệt sĩ hay những Ðền thờ như thế này thôi. Tuổi trẻ nhìn vào để trân trọng non sông Tổ quốc mình hơn nữa. Chú Bổn nói điều ấy để nhấn mạnh rằng, ý nghĩa Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ðoàn 6 pháo binh lớn lắm.
Và trong chính ý nghĩa đó, lại càng cảm phục tấm lòng của Thiếu tướng Trần Văn Niên, của biết bao nhà hảo tâm đã đóng góp và đặc biệt nhất là chú Nguyễn Sỹ Nhân và thầy Thích Tuệ Hải.
Tôi biết, chú Sỹ Nhân nói mệt vậy thôi, chứ vài bữa chú lại nhớ, lại tìm về Khu tưởng niệm, rồi lại chỉnh trang cây tùng, gốc mai, lại sơn phết, quét dọn để mời đồng đội đang hương khói về chứng tri ăn Tết.
50 năm hay dù có lâu hơn nữa, nghĩa tình ấy vẫn mãi còn ở lại, giữa cuộc đời này.
❝ Thành lập ngày 23-11-1963, trải qua nhiều phiên hiệu khác nhau, Ðoàn 6 Pháo binh (nay là Lữ Ðoàn Pháo binh 6 Quân khu 9) đã trải qua gần 4.000 trận đánh trên khắp các chiến trường. Trong đó, với Trận chiến Pháo binh tại Vịnh Chèo vào ngày 29-12-1974, do đơn vị phối hợp triển khai không đúng hiệp đồng, địa hình chiến đấu không thuận lợi, thông tin liên lạc bị gián đoạn… nên Ðoàn 6 Pháo binh chịu tổn thất lớn về người và vũ khí. Trong trận đánh này, Ðoàn 6 Pháo binh có 51 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; gần 30 khẩu súng các loại rơi vào tay địch. 51 người lính tuổi đời mới đôi mươi, đã ngã xuống nơi cánh đồng Vịnh Chèo trong một buổi chiều cuối năm.
Ðể ghi nhớ Trận chiến Pháo binh tại Vịnh Chèo và ghi ơn những Anh hùng, Liệt sĩ của Ðoàn 6 Pháo binh đã hy sinh vì Tổ quốc, Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Ðoàn trưởng Ðoàn 6 Pháo binh, đã vận động xã hội hóa từ đồng đội, các nhà hảo tâm để xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Ðoàn 6 Pháo binh. Công trình có tổng giá trị lên đến gần 27,5 tỉ đồng, được khánh thành ngày 22-12-2022. Năm 2022, "Trận chiến Pháo binh Vịnh Chèo năm 1974" được UBND tỉnh Hậu Giang xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh.❞