Hệ thống phòng thủ của Mỹ đang đối mặt chỉ trích do công nghệ lỗi thời và chi phí cao, đặc biệt khi lá chắn tên lửa phải vật lộn trước hàng loạt mối đe dọa hạt nhân.
Tên lửa đánh chặn trên mặt đất của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin
Theo tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Ðại Tây Dương, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ “không đủ khả năng” chống lại đối thủ có vũ khí hạt nhân như Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên. Năm ngoái, phân tích của Quỹ Di sản chỉ ra thành phần chính của mạng lưới phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ gồm 44 hệ thống đánh chặn trên mặt đất (GBI) có thể không đủ đánh bại một cuộc tấn công hạt nhân vào lục địa Mỹ. Tăng số lượng GBI là nỗ lực tốn kém khi mỗi thiết bị tiêu tốn 90 triệu USD.
Trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Ðánh giá Phòng thủ Tên lửa năm 2022, Mỹ đi trước năng lực tên lửa Triều Tiên trong khi dựa vào khả năng răn đe chiến lược chống lại Trung Quốc, Nga. Cách tiếp cận này bị cảnh báo không đủ do độ tinh vi và số lượng mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng.
An ninh quốc gia và khả năng thể hiện sức mạnh toàn cầu của Mỹ có thể bị suy yếu đáng kể nếu mối đe dọa đã nêu không được giải quyết. Tài liệu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ lực lượng hạt nhân và hệ thống chỉ huy, kiểm soát nhằm đảm bảo năng lực răn đe. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh mẽ, làm phức tạp kế hoạch tấn công của đối thủ và trấn an đồng minh. Báo cáo khuyến nghị Mỹ xem xét hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, tích hợp công nghệ tiên tiến và biện pháp tấn công. Báo cáo còn kêu gọi nâng ngân sách phòng thủ tên lửa lên 1% chi tiêu quốc phòng; tăng cường minh bạch với Trung Quốc -Nga để giảm bớt lo ngại chạy đua vũ trang.
Giải pháp tình thế
Mỹ đã chi hơn 170 tỉ USD trong 20 năm qua, nhưng năng lực phòng thủ tên lửa về cơ bản không thay đổi kể từ năm 2004. Vốn từ thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan, phòng thủ tên lửa đã không phải ưu tiên của Washington. Ðiều đó được phản ánh qua việc Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) sau khi công bố năm 1983 đã nhận về chỉ trích vì chi phí quá cao. SDI là hệ thống phòng thủ tên lửa không gian nhiều lớp mang tính tương lai, nhưng hiệu quả sẽ không được chứng minh nếu không có một cuộc tấn công hạt nhân. Mặt khác, ý tưởng thiên về phòng thủ như vậy đi ngược lại khái niệm răn đe khi đối đầu Liên Xô. Sự quan tâm đối với SDI tiếp tục giảm dần sau thời điểm Mỹ - Liên Xô ký hiệp ước song phương cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START I) vào năm 1991.
Năm 2023, Washington khởi động chương trình đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI) trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn. Lầu Năm Góc nhấn mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia phải có khả năng đánh chặn các đầu đạn hiện đại nhất, bao gồm đầu đạn siêu âm. Nhưng theo báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ, NGI đang đối mặt rủi ro do hoạt động thiết kế và sản xuất chồng chéo; chi phí tăng. Ðiều này làm dấy lên lo ngại về khả năng đáp ứng thời hạn triển khai vào năm 2028.
Thách thức cuộc đua đánh chặn tên lửa
Các đối thủ Nga, Trung Quốc và cả Triều Tiên đang không ngừng phát triển kho vũ khí hạt nhân theo cách có thể đánh bại hệ thống phòng thủ Mỹ. Theo báo cáo năm 2024, Nga có khoảng 1.710 đầu đạn hạt nhân đã triển khai bao gồm trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược. Nga đang hướng tới mục tiêu phát triển các hệ thống phóng tiên tiến như phương tiện lướt siêu thanh, tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân và hệ thống dưới nước tự động.
Về phần Trung Quốc, năng lực hạt nhân nước này tiến triển nhanh chóng với kho dự trữ vượt quá 600 đầu đạn và dự kiến tăng hơn 1.000 vào năm 2030. Lực lượng tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân cũng triển khai 400 ICBM có khả năng mang nhiều phương tiện tái nhập mục tiêu độc lập (MIRV). Bắc Kinh hiện đang phát triển vũ khí siêu thanh và hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn.
Ðối với Triều Tiên, khả năng họ đã đủ vật liệu phân hạch cho 90 đầu đạn hạt nhân trang bị cho ICBM, qua đó dễ dàng áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Bình Nhưỡng có kế hoạch sản xuất đầu đạn hạt nhân siêu lớn; đồng thời cải thiện khả năng tấn công chính xác và tầm bắn cũng như phát triển các phương tiện lướt siêu thanh.
MAI QUYÊN (Theo Asia Times, Atlantic Council)