29/12/2024 - 14:42

Thủy hình, thủy mạch và phương tiện trên sông nước đặc trưng Nam Bộ 

Trong quá trình hình thành vùng đất rộng sông dài, được bồi đắp bởi vô vàn phù sa màu mỡ, thiên nhiên đã điểm xuyết cho Nam Bộ những nét chấm phá rất riêng. Từ đó trong sinh hoạt văn hóa đời sống, cư dân đã kiến tạo nên văn minh sông nước. Và những thủy hình, thủy mạch, phương tiện di chuyển trên sông nước đã tạo nên những nét đặc trưng Nam Bộ.

Đò dọc (tàu cây). Ảnh: DUY KHÔI

Về trạng thái của nước, người Nam Bộ sáng tạo một kho khẩu ngữ rất dễ thương, mà cũng rất phân biệt chứ không hề trùng lặp. Nếu nước chảy mạnh, gọi “nước tống”. Nước sông gọi “nước bạc”. Nước trong đồng gọi “nước cỏ”. Nước từ vàm chảy vào lúc triều cường gọi “nước lớn” (nhiều). Nước lớn hết mức, gần đầy kinh rạch gọi “nước lớn đầy mà”; ít hơn gọi “nước lớn nửa mà”, hoặc “hai phần mà” (tức hai phần bực sông - lấy dấu chớn nước đầy mà làm chuẩn). Ngược lại, gọi “nước ròng”. Nước ròng hết mức gọi “ròng sát”, “ròng rặc”, hay “ròng cạn”, hoặc “ròng kiệt”. Ở thời điểm sắp chuyển từ ròng sang lớn, đang ở trạng thái lựng bựng, gọi “nước nhửng lớn”. Cũng như thế, nếu sắp chuyển từ lớn sang ròng, gọi “nước nhửng ròng”. Cả hai trường hợp ấy, người ta cũng gọi “nước đứng” hay “đầu con nước”, “cuối con nước”.

Khoảng tháng 5 âm lịch (mùa mưa), nước trên nguồn đổ xuống nhiều, mang theo phù sa đục ngầu, gọi “nước quay” (dội với dòng chảy từ biển đổ vào, nên “quay”). Có hai lần quay: lần một lúc nước sông cái mới chuyển đục (còn loang lổ chỗ đục chỗ trong) gọi “nước quay kỳ nhứt”; lần hai khi nước sông đã đục hẳn gọi “nước quay kỳ nhì”. Lúc bấy giờ biên độ giữa nước lớn và nước ròng không còn rõ ràng, tức không còn chảy lên xuống/ra vào như mùa khô, gọi “nước chết” hay “nước ương” (chảy yếu); do áp lực từ thượng nguồn đổ xuống mạnh nên gọi “nước đổ”, đổ ngày một nhiều gọi “nước lên”. Mùa nước, nước dâng cao tràn ngập cả vùng đồng bằng rộng lớn gọi “nước lụt”; nơi nào nước chảy xiết gây cảnh thủy phá bờ bực gọi là “lũ lụt”. Sau vài tháng bị lụt lội, khi nơi nào đã ngập đến mức cao nhất, gọi “nước phân đồng” (đồng là đồng đều). Lúc này đã cuối mùa mưa, gió bấc thổi mạnh, nước đồng chảy ra sông, sông đổ ra biển, gọi “nước rút”, hay “nước giựt”, hoặc “nước rọt”. Hết mùa nước, trở lại mùa khô.

Xuồng và máy đuôi tôm. Ảnh: DUY KHÔI

Mùa khô, trong mỗi tháng, vào những ngày từ mùng 5 đến mùng 7 âm lịch nước sông ít, gọi “nước kém”; từ 14 đến 17 âm lịch nước sông nhiều hơn ngày thường, gọi “nước rông”. “Rông” nhất là ngày 17 (“mười bảy nước nhảy khỏi bờ”). Sở dĩ có hiện tượng này là do đạp triều, tức con nước lên những hôm trước nhiều quá, khi rút xuống chưa hết thì con nước sau đã đến, thành ra lớn hơn, chúng “đạp” lên nhau vậy.

Ta đã biết, kinh là một thủy mạch nối từ hai thủy mạch khác (sông, rạch) tức có hai vàm, bất kể dài ngắn hay rộng hẹp, cũng bất kể là “kinh xáng”, “kinh đào” hay “kinh tự nhiên”. Điều đó có nghĩa, quanh co hay thẳng tắp đều vẫn là kinh. Nếu kinh đào mà ngay thẳng, dân gian gọi “kinh ruột ngựa”, nếu kinh đào ngay thẳng nối với hai thủy mạch cũng đều là kinh và không xa lắm (chừng vài ngàn mét trở lại) thì gọi “kinh đòn dông”. Nước chảy vào kinh tất nhiên từ vàm (miệng kinh) nhưng tùy cao trình, tức có độ nghiêng rõ rệt thì kinh chỉ nhận nước từ một vàm và chảy luôn ra nơi khác ở vàm còn lại. Trái lại, nếu đáy kinh ngang bằng thì những con nước lớn và con nước ròng, nó đều chảy ra vào theo cả hai vàm. Đối với những kinh lớn (như sông nhỏ), nơi hai ngọn nước từ hai vàm gặp nhau người ta gọi đó là chỗ “giáp nước”.

Ở Nam Bộ, cặp theo bờ sông Tiền, sông Hậu, nhất là ở vùng thượng nguồn, có hàng ngàn ngôi nhà sườn gỗ, lợp tôn, cấu kết chắc chắn và gần như đều cùng một kiểu dáng, thoáng, đẹp và đặc biệt có nền là nước, dài hàng mấy chục cây số trông rất đẹp mắt, chẳng khác gì một đô thị trên sông.

*       *        *

Nét đẹp sông nước. Ảnh: DUY KHÔI

Từ nhiều thế kỷ trước, sông rạch ở Nam Bộ là nơi xuôi ngược đủ các loại tàu thuyền, xuồng ghe với mục đích vận chuyển hàng hóa, đi lại, khai thác nguồn lợi thủy sản, hoặc mua bán kiếm sống. Ngoài các loại ghe thuyền trong khu vực như: xuồng Cần Thơ, xuồng ba lá miệt Tháp Mười, ghe Cần Đước miệt Long An, ghe Ngo miệt Trà Vinh, Sóc Trăng…; hoặc những kiểu ghe tàu ở miền khác như ghe chài miệt Gia Định, ghe bầu ở miền Trung… nơi đây còn sản xuất khá nhiều loại ghe xuồng đặc hữu.

“Ghe/xuồng tam bản” là loại ghe nhỏ được khép bởi nhiều tấm be, kiểu dáng gọn đẹp, vững, dễ xoay trở và lướt nhanh, nên rất tiện dụng cho việc đi lại, vận chuyển cả trên sông to, rạch nhỏ, nhất là đưa khách sang sông (một người cùng lúc chèo hai chèo ở sau lái, rất thiện nghệ). “Ghe be” ghép lại bởi nhiều tấm ván be. “Ghe giàn” là loại ghe lớn và “hêu”, sợ gió mạnh làm nghiêng úp nên phải “đâm kiếng” tức cột thêm hai bên ghe mỗi bên một khúc cây hoặc 5-7 cây tre lớn, dài theo ghe, ngang mớn nước, có tác dụng rất hiệu quả trong việc giữ thăng bằng cho ghe. Nếu là ghe nhỏ chở vật nhẹ nhưng cồng kềnh như trấu, gòn chẳng hạn, buộc phải cơi cao lên để chở được nhiều, nên cũng phải “kiếng” cho vững. “Trẹt” - nói đủ là ghe trẹt, như chiếc phà, rất tiện dụng cho việc vận chuyển các loại máy cày, máy xới.

Sông Hậu và cầu Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

“Tắc ráng” là loại phương tiện thích nghi nhất với sông nước ĐBSCL. Phương tiện này ra đời đầu tiên ở một nơi mà xóm, ấp, chợ và rạch đều mang tên Tắc Ráng (nay là khóm Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang), hình dạng nguyên thủy của nó là “mũi lườn đít tàu” tức không giống như chiếc xuồng mà nó được cải tiến thành “đầu nhọn đầu bằng”, ốm và dài, đặt máy đuôi tôm sau lái. Tắc ráng phục vụ rất đắc lực cho nhu cầu đi lại, len lỏi khắp các kinh rạch ở nông thôn vốn dày đặc, nhất là ở những vùng trắc trở đò, phà; nơi không có đường bộ hoặc hệ thống đường bộ chưa hoàn chỉnh. Khi cần thích nghi những nơi sông sâu, sóng lớn, tắc ráng có thể được đóng lớn gấp nhiều lần, phục vụ rất đắc lực việc vận chuyển đường dài với tốc độ mạnh gấp hai, ba lần các loại phương tiện khác trong điều kiện sử dụng máy ngang bằng mã lực.

“Ghe đụt” còn gọi “ghe rổi” dùng vận chuyển cá sống. Người ta áp dụng nguyên tắc bình thông nhau bằng cách lấy mực chuẩn rồi cắt một đoạn tấm be nơi ấy chừng vài ba mét, thay vào đó bằng lưới sắt, cốt ý cho cân bằng mực nước ngoài sông và mực nước rộng cá trong ghe, nhờ đó mà có sự trao đổi nước, cá không bị ngáp (chết), ghe cũng vững, không chạt lắc.

Bên cạnh “xuồng câu”, còn có “ghe đáy” căng lưới giữa sông có tùng dài và rộng để chận, hứng bắt các loại cá trắng sống ở tầng nước mặt. “Ghe vồn” có đặt cố định trước mũi ghe ngư cụ gọi là vồn, như cái vợt đẩy xúc cá nhưng rất to, được neo giữa sông để cất lên hạ xuống hứng bắt cá linh.

Phương tiện trên sông nước ở Nam Bộ còn được gọi theo công năng. Đưa khách dọc theo sông thì gọi ghe đò, nếu có đặt máy thì gọi tàu đò hay tàu khách; tàu buôn là tàu chuyên chở hàng hóa dùng vào việc buôn bán lớn; ghe thương hồ là ghe nhỏ, bán hàng hóa thổ sản rong ruổi đó đây, chủ yếu là bơi, chèo; tàu dầu, chở xăng dầu; sà lan (chở vật nặng như đá, cát, lúa gạo và các loại vật tư cồng kềnh khác); bắc tức phà có đặt máy dùng đưa khách sang sông...

Nếu xuồng có dùng máy thì gọi xuồng đuôi tôm, vì ở cuối cây láp, gần “chân vịt” người ta có hàn vài lá sắt nhỏ, công dụng như bánh lái, giống cái đuôi con tôm, nên cũng gọi máy đuôi tôm. Do thế xuồng không cần gắn bánh lái, người điều khiển chỉ cần nhẹ nhàng đưa đẩy máy qua lại, xuồng sẽ đi đúng theo ý muốn một cách dễ dàng.

*       *        *

Để an toàn trong việc di chuyển trên đường thủy, người Nam Bộ xưa áp dụng quy ước “bát - cạy”. Ngữ nguyên của bát - cạy là nói điều mở ra hay cột vào, sau đem dùng vào sự đi lại của các ghe thuyền. Bát nguyên nghĩa là chiếc ghe; cạy là chèo, dầm. Từ đó biến hóa thành một thuật ngữ quy định sự đi lại trên sông.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết