21/11/2008 - 08:33

TP Cần Thơ

Vì sao tiến độ xây dựng cơ bản vẫn ì ạch?

Thời gian qua, lãnh đạo TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm chỉ đạo khai thác các nguồn thu ngân sách trên địa bàn, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương để tăng mức đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), nhằm sớm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, tiến độ XDCB ở TP Cần Thơ trong 10 tháng qua rất chậm, sử dụng chưa hết số vốn XDCB đã được phân bổ dù kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn. Vì sao?

VỐN CÓ NHƯNG KHÓ GIẢI NGÂN

Đến ngày 7-11-2008, Kho bạc mới thanh toán và tạm ứng vốn cho lĩnh vực XDCB được 910,5 tỉ đồng, chỉ mới đạt 40,64% so với tổng vốn đã được phân bổ cả năm 2008. Do đó, hàng loạt công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố, trong đó có các trọng điểm, tiếp tục thi công với tiến độ trì trệ. Trong số 21 đơn vị do thành phố quản lý thì chỉ có đến 10 đơn vị đã sử dụng trên 60% số vốn được phân bổ cả năm. Riêng các đơn vị như Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ... chưa sử dụng đến 30% số vốn đã được phân bổ. Năm 2008, quận Ninh Kiều - quận trung tâm của TP Cần Thơ - được phân bổ hơn 127 tỉ đồng vốn XDCB, cao nhất so với các quận, huyện khác trong thành phố. Tuy nhiên, khối lượng XDCB ở địa bàn quận Ninh Kiều trong 10 tháng đầu năm chỉ mới đạt 29,54% so tổng vốn được phân bổ, thấp nhất so với các quận, huyện khác.

Một công trình giao thông ở huyện Cờ Đỏ đang được xây dựng.  

Trong năm 2008, nguồn vốn Xổ số kiến thiết đầu tư cho lĩnh vực XDCB 260 tỉ đồng, trong đó đầu tư cho 2 lĩnh vực y tế, giáo dục đến gần 78% so tổng nguồn. Đến nay, nguồn thu từ Xổ số kiến thiết đã thực hiện được 219 tỉ đồng nhưng khối lượng XDCB sử dụng nguồn vốn này chỉ mới thực hiện được 171,7 tỉ đồng. Trong khi cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đang là vấn đề cấp bách, nhưng các công trình XDCB sử dụng vốn Xổ số kiến thiết do ngành y tế trực tiếp làm chủ đầu tư chỉ mới đạt tỷ lệ giải ngân có 11,58%. Sau khi được điều chỉnh giảm vốn, dự án xây dựng bệnh viện đa khoa thành phố (qui mô 500 giường) được bố trí 17 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu giải ngân. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa thành phố (Bệnh viện 30-4 cũ) được bố trí 3 hạng mục công trình mới với số vốn lên đến hơn 23 tỉ đồng, song đến thời điểm này số vốn vẫn chưa được sử dụng. Thực trạng sử dụng vốn XDCB trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy năm 2008 TP Cần Thơ sẽ khó sử dụng hết số vốn XDCB đã được bố trí. Trong đó, có nguồn vốn đầu tư xây dựng trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên, các bệnh viện và cả nguồn vốn Chính phủ đã chịu trả lãi suất (vốn trái phiếu chính phủ).

NĂNG LỰC THI CÔNG YẾU

Theo nhận định của một số quận, huyện và các chủ đầu tư, khối lượng XDCB thời gian qua đạt thấp do biến động giá cả vật liệu xây dựng, thay đổi cơ chế chính sách bồi thường tái định cư...Tuy vậy, năng lực của các chủ đầu tư và nhà thầu, các thủ tục hành chánh trong lĩnh vực XDCB mới là yếu tố quyết định đến tiến độ các công trình XDCB.

Thời gian qua, một số chủ đầu tư chưa mạnh dạn xử lý cắt hợp đồng thi công đối với các nhà thầu thi công cầm chừng. Chẳng hạn, các cây cầu trên tỉnh lộ 923 (đoạn Cái Răng-Phong Điền) chậm hoàn thành để đồng bộ với phần đường nhưng chưa thấy chủ đầu tư hay nhà thầu nào bị xử lý. Sân bay Cần Thơ sắp đi vào hoạt động, nhưng trên công trình xây dựng đường Mậu Thân-sân bay rất ít thấy đơn vị thi công. Quốc lộ 91 từ ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Trãi đến khu công nghiệp Trà Nóc I đã quá tải nhưng công trình xây dựng quốc lộ 91B thì rất chậm chạp... Cầu qua Cồn Khương đã xây dựng xong khá lâu nhưng vẫn chưa có đường vào cầu nên công trình này được bố trí thêm 6 tỉ đồng trong năm 2008. Tuy vậy, theo báo cáo của chủ đầu tư (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thì năm 2008 công trình này chỉ có khả năng sử dụng 2 tỉ đồng để làm đường dẫn vào cầu tiếp giáp đường Cách Mạng Tháng Tám. Do đó, dự án cầu qua Cồn Khương sẽ thừa 4 tỉ đồng nhưng cầu qua Cồn Khương thì tiếp tục chịu cảnh chưa đường vào cầu.

Năm 2008, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng (BQL ĐTXD) thành phố được phân bổ hơn 186 tỉ đồng nhưng qua 10 tháng thực hiện các công trình XDCB do đơn vị này làm chủ đầu tư chỉ mới được khối lượng trị giá 81,1 tỉ đồng và giải ngân được 50 tỉ đồng. Dù khó sử dụng hết số vốn đã được phân bổ nhưng nhiều công trình do đơn vị này làm chủ đầu tư có tiến độ thi công rất chậm. Chẳng hạn, dự án xây dựng tuyến giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn có tổng mức đầu tư lên đến hơn 626 tỉ đồng được thi công từ năm 2005 đến năm 2009. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 5 trong số 12 gói thầu của dự án chưa hoàn thành đến 35% khối lượng công việc. Tại cuộc họp sơ kết công tác XDCB 10 tháng đầu năm 2008 diễn ra ngày 14-11, đồng chí Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, bức xúc nói: “Tiến độ xây dựng tuyến giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn quá chậm, một số nhà thầu cố tình kéo dài thời gian thi công, nhưng lại cho rằng do địa phương chậm giao mặt bằng. Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương cùng đi kiểm tra việc bàn giao mặt bằng thì nhà thầu lại từ chối. Tôi đề nghị chủ đầu tư cần có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công”. Thật ra, chuyện một số nhà thầu tham gia xây dựng tuyến giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn kéo dài thời gian thi công đã được nhận diện khá lâu nhưng chuyện xử lý thì chưa. Sau chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến giao thông Bốn Tổng – Một Ngàn vào ngày 13-11 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhắc nhở: “BQL ĐTXD thành phố đã 2 lần đề nghị cắt hợp đồng các nhà thầu chậm thi công khi tham gia tuyến giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn. Thế nhưng sau đó có lẽ do nhà thầu năn nỉ nên chủ đầu tư mềm lòng. Tôi yêu cầu chủ đầu tư phải mạnh tay xử lý một vài nhà thầu trì trệ để răn đe các nhà thầu khác. UBND thành phố sẵn sàng chấp nhận một hoặc hai gói thầu bị chậm tiến độ so kế hoạch ban đầu vì lý do chủ đầu tư phải lập lại hồ sơ tuyển chọn nhà thầu mới”.

Tại cuộc họp sơ kết công tác XDCB 10 tháng đầu năm 2008, nhiều đại biểu đại diện các quận, huyện cho rằng các địa phương phải mất quá nhiều thời gian để lo thủ tục XDCB. Chẳng hạn, hầu hết các dự án xây dựng cơ bản đều có thủ tục đo đạc và thu hồi đất. Do hồ sơ thủ tục về đo đạc, thu hồi đất của tất cả các dự án trên địa bàn thành phố đều dồn về ngành tài nguyên –môi trường nên gây ra tình trạng quá tải, các chủ đầu tư phải mất thời gian chờ đợi. Nếu chủ đầu tư nhờ đến đơn vị khác đo đạc thì bị làm khó khi thông qua ngành tài nguyên-môi trường. Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh cho biết, đơn vị đã mất hơn 6 tháng nhưng vẫn chưa có được kết luận cuối cùng về chuyện địa phương có được phép giao cho nhà đầu tư 5,6 ha đất “da beo” trong khu quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại của huyện (thu hồi bằng vốn ngân sách nhà nước) để sớm hoàn lại vốn tạm ứng ngân sách. Tương tự, huyện Thốt Nốt cũng đã mất hết 6 tháng liên hệ các cơ quan chức năng của thành phố nhưng đến nay vẫn chưa biết được cơ quan nào có chức năng thẩm định dự án xây dựng bờ kè thị trấn Thốt Nốt. Còn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã mất khá nhiều thời gian nhưng vẫn chưa xác định được tên gọi chính thức của khu liên hợp thể dục thể thao tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nên chưa thể hoàn thành việc lập dự án đầu tư.

Thực trạng thiếu trường lớp, thiếu nhà công vụ cho giáo viên, cầu đường xây dựng chưa xong... nhưng nguồn vốn XDCB thì không sử dụng hết, liệu có tiếp diễn ở các năm tiếp theo?

Bài, ảnh: Nhật Chánh

Chia sẻ bài viết