Các chuyên gia sức khỏe Mỹ cho biết so với nam giới, phụ nữ có nhiều yếu tố nguy cơ khiến họ dễ mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS) hơn, từ căng thẳng tinh thần mãn tính cho đến thay đổi hoóc-môn.
Về mặt y học, IBS là một rối loạn chức năng, được xác định bằng nhiều triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, đau bụng mãn tính, đầy hơi và thay đổi thói quen đại tiện. Hiện chưa có xét nghiệm riêng để tầm soát IBS, nhưng có các tiêu chí cụ thể xung quanh các phân nhóm khác nhau của tình trạng sức khỏe này, cũng như tần suất và thời gian xuất hiện các triệu chứng. Vì lý do đó, phương pháp xác định IBS là chẩn đoán loại trừ. Ví dụ, bác sĩ thường kiểm tra khả năng mắc bệnh Celiac (không dung nạp lactose), bệnh Crohn (viêm đường ruột) hoặc ung thư đại trực tràng trước tiên. Khi đã loại trừ những bệnh lý có các triệu chứng tương tự thì sẽ chẩn đoán người đó mắc IBS.
Có nhiều giả thuyết vì sao phụ nữ dễ mắc IBS hơn nam giới, nhưng giả thuyết thuyết phục hàng đầu là do thay đổi hoóc-môn. Theo bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Georgia Close tại Bệnh viện Putnam ở New York, các triệu chứng IBS ở phụ nữ có xu hướng nghiêm trọng nhất trong giai đoạn hành kinh. Sau mãn kinh, các triệu chứng IBS của họ càng tồi tệ hơn nữa, cộng thêm mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm và chất lượng cuộc sống thấp hơn.
Tuy chưa có nhiều nghiên cứu liên kết trực tiếp IBS với nồng độ hoóc-môn hoặc kiểm tra xem loại hoóc-môn nào ảnh hưởng đến nguy cơ mắc IBS. Nhưng có bằng chứng cho thấy một số hoóc-môn có thể đóng vai trò làm khởi phát IBS. Chuyên gia Chelsea McCallum cho biết sự dao động của 2 nội tiết tố nữ estrogen và progesterone có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột, từ đó dẫn đến đầy hơi, đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện. Nghiên cứu cũng cho thấy bệnh suy giáp, vốn phổ biến hơn ở phụ nữ, có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn ở ruột non (SIBO) nên cũng góp phần khởi phát IBS.
Bên cạnh đó, mặc dù những phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh có sử dụng liệu pháp thay thế hoóc-môn (HRT) thường thấy rằng HRT không ảnh hưởng đến các triệu chứng IBS, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột. Phụ nữ còn bị đau nặng hơn nếu họ cũng mắc rối loạn phụ khoa. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy hệ miễn dịch có vai trò trong sự phát triển của IBS và phụ nữ được biết là dễ mắc các bệnh tự miễn hơn.
Căng thẳng tinh thần và lo lắng mãn tính cũng là một yếu tố quan trọng khác làm gia tăng nguy cơ mắc IBS ở phụ nữ. “Phái yếu” dễ gặp căng thẳng hơn nam giới và điều này ảnh hưởng đến họ theo những cách khác nhau, bao gồm sức khỏe đường ruột.
HƯƠNG THẢO (Theo National Geographic)