03/09/2019 - 18:21

Vì sao Nhật quay lưng với Liên minh Hàng hải của Mỹ? 

Báo Yomiuri ngày 3-9 cho biết Nhật Bản sẽ không tham gia liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại Vùng Vịnh, mà thay vào đó là xem xét tự triển khai quân đội đến đây.

Chiến hạm JS Inazuma (trái) và JS Kaga của Nhật Bản. Ảnh: CNA

Yomiuri dẫn các nguồn tin chính phủ cho rằng Tokyo đang cân nhắc kế hoạch yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) thực hiện các sứ mệnh thu thập thông tin tại những khu vực xung quanh Eo biển Hormuz và tuyến hàng hải Bab al-Mandab vốn nằm giữa các nước Yemen, Djibouti và Eritrea. Trong cuộc họp báo cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về những biện pháp kể trên.

Trao đổi hàng hóa trên toàn cầu đã gặp khó trong những tháng gần đây do vụ bắt giữ tàu chở dầu của Anh trên Eo biển Hormuz và một loạt sự cố liên quan các tàu hàng quốc tế- điều mà Washington và Luân Đôn đổ lỗi cho Iran. Do vậy, hồi tháng 7, Mỹ đã đưa ra Sáng kiến Liên minh an ninh hàng hải, kêu gọi các đồng minh gửi tàu chiến tới Trung Đông để cùng tuần tra tại Eo biển Hormuz. Tuy nhiên, Iran đã chỉ trích nỗ lực của Mỹ và nói rằng các quốc gia trong khu vực có thể bảo vệ các tuyến hàng hải cũng như hợp tác hướng tới ký kết một hiệp ước bất khả xâm phạm.

Tính đến nay, liên minh chỉ mới có 4 thành viên là Mỹ, Anh, Bahrain và Úc, trong khi phần lớn các nước châu Âu phân vân vì lo ngại tham gia sẽ đẩy căng thẳng trong khu vực leo thang.

Tổng thống Iran loại trừ khả năng đàm phán song phương với Mỹ

Iran sẽ không bao giờ tiến hành đối thoại song phương với Mỹ, song Washington có thể tham gia các cuộc đàm phán đa phương với các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 nếu nước này dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt được tái áp đặt nhằm vào Tehran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 3-9 đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân ký giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) trên bờ vực đổ vỡ sau khi Washington rút khỏi văn kiện này.

Tuy Mỹ là đồng minh quan trọng nhất nhưng Nhật Bản lưỡng lự là do mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Cộng hòa Hồi giáo- nhà cung cấp dầu chính cho nước này. Khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu của Nhật đến từ khu vực Trung Đông. Tỷ lệ này của Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt là 75%, 64% và 44%. Theo Hiệp hội Chủ tàu Nhật Bản, năm ngoái có xấp xỉ 1.700 tàu nước này đi qua Eo biển Hormuz, trong đó có khoảng 500 tàu chở dầu.

Các công ty hàng hải Nhật Bản lo sợ nếu tham gia liên minh, Tokyo có thể bị Tehran coi là “kẻ thù”, còn các tàu hàng thì lọt vào tầm ngắm. Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng có chung những quan ngại này. Gia nhập liên minh thậm chí có thể hủy hoại nỗ lực ngoại giao của Nhật. Trong cuộc xung đột Mỹ - Iran, đóng góp lớn nhất của Tokyo là thể hiện vai trò trung gian hòa giải, trong đó tận dụng quan hệ mật thiết với Tehran có từ khoảng 70 năm qua. Do vậy, nếu không gia nhập liên minh nói trên, quốc gia Đông Bắc Á có thể tập trung nhiều hơn vào đối thoại với Iran.

Cũng trong nỗ lực ngoại giao, ngày 2-9, một phái đoàn cấp cao Iran đã đến thủ đô Paris để bàn thảo về những chi tiết của gói cứu trợ tài chính mà Pháp định sử dụng để bồi thường cho Tehran vì những tổn thất trong việc bán dầu mỏ do các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Đổi lại, Iran sẽ phải quay lại thực thi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc hồi năm 2015. Mấu chốt của gói cứu trợ là tín dụng thư trị giá 15 tỉ USD, cho phép Iran nhận ngoại tệ mạnh ở thời điểm phần lớn tiền mặt họ kiếm được từ hoạt động bán dầu đang bị đóng băng trong các ngân hàng trên khắp thế giới.

THANH BÌNH (Theo Reuters, Nikkei)

Chia sẻ bài viết