04/02/2023 - 18:20

Vì sao Mỹ lo sợ khinh khí cầu của Trung Quốc? 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận khinh khí cầu mà Lầu Năm Góc phát hiện hôm 2-2 trên bầu trời Mỹ là khinh khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng và việc nó bay vào không phận Mỹ là do bất khả kháng. Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại tin rằng đây là khinh khí cầu do thám, điều khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hủy chuyến công du Bắc Kinh dự kiến diễn ra trong hai ngày 5 và 6-2.

Khinh khí cầu Trung Quốc và đường bay của nó. Ảnh: AP & Nypost

Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3-2 nêu rõ, do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế nên khinh khí cầu của nước này đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến. Tuyên bố cũng cáo buộc các chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.

Trung Quốc kêu gọi tránh đánh giá sai lầm

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Blinken tối 3-2, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ðối ngoại Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, đã có cuộc thảo luận về cách thức xử lý vụ tai nạn theo hướng chuyên nghiệp và bình tĩnh, theo Tân Hoa xã. Ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần tập trung, giao tiếp kịp thời, tránh đánh giá sai lầm và quản lý sự khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ.

Trong cuộc họp báo tại Washington sau cuộc điện đàm trên, Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đã nói với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc rằng ông sẽ không đến Bắc Kinh sau hành động “vô trách nhiệm, vi phạm rõ ràng chủ quyền Mỹ và luật pháp quốc tế”. Ông Blinken nói thêm rằng vụ việc “không thể chấp nhận” này “có hại” cho các cuộc thảo luận mà đôi bên dự định.

Tuy nhiên, ông Blinken cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho các đường dây liên lạc mở cho đến khi vụ khinh khí cầu được giải quyết. “Sau khi phát hiện khinh khí cầu, Chính phủ Mỹ đã hành động ngay lập tức để chống lại việc thu thập các thông tin nhạy cảm”, ông Blinken nói.

Lầu Năm Góc thông báo khinh khí cầu của Trung Quốc đã được theo dõi ở gần quần đảo Aleutian và Canada, trước khi bay vào không phận Mỹ hôm 2-2. Khinh khí cầu được nhìn thấy lần đầu ở Montana, bang tiếp giáp với Canada của Mỹ. Nó có xu hướng di chuyển về phía Ðông Nam, mà theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng không quân Patrick Ryder, là đã bay qua khu vực trung tâm của đất nước, ở độ cao 18.200m. Hãng CNN cho biết các nhà phân tích lưu ý rằng bang Montana và các bang lân cận là nơi có các hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa và căn cứ máy bay ném bom chiến lược của quân đội Mỹ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết khinh khí cầu giám sát tầm cao của Trung Quốc đã được theo dõi trong vài năm qua và nó đang di chuyển ở độ cao hơn nhiều so với giao thông hàng không thương mại nên không gây ra mối đe dọa quân sự hay thể chất nào đối với những người trên mặt đất. Mặc dù đường bay hiện tại của khinh khí cầu đi qua “một số địa điểm nhạy cảm”, nhưng quan chức này nói rằng nó không có khả năng thu thập thông tin tình báo nào đáng kể. Một quan chức quốc phòng khác của Mỹ cũng tin rằng các vệ tinh do thám của Trung Quốc ở quỹ đạo thấp của Trái đất có khả năng cung cấp thông tin tình báo tương tự hoặc tốt hơn, trong khi khinh khí cầu tầm cao của Bắc Kinh vốn có kích thước ước tính bằng 3 chiếc xe buýt có khả năng thu thập thông tin rất hạn chế.

Vì thế, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo ngắn gọn và nhận lời khuyên từ Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, rằng không nên bắn hạ khinh khí cầu này, khi nó được tin không gây ra rủi ro quân sự nào đáng kể, đồng thời tránh làm bị thương người ở dưới mặt đất.

Một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng họ sẽ đợi khinh khí cầu bay qua Ðại Tây Dương để cố gắng bắn hạ và thu giữ. Theo quan chức này, Mỹ muốn giữ lại khinh khí cầu để xem xét và không muốn xảy ra sự cố ngoài không phận quốc tế nên đang lên kế hoạch bắn hạ nó trong lãnh hải Mỹ.

Lý do Mỹ lo sợ khinh khí cầu

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao tình báo Trung Quốc muốn sử dụng khinh khí cầu thay vì vệ tinh để thu thập thông tin? Sử dụng khinh khí cầu làm nền tảng do thám đã có từ những ngày đầu Chiến tranh Lạnh và kể từ đó Mỹ sử dụng hàng trăm khinh khí cầu để theo dõi các đối thủ. Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc cũng từng bị phát hiện tại Mỹ.

Ngày nay, sử dụng khinh khí cầu do thám được đánh giá là lỗi thời so với công nghệ vệ tinh hiện đại vốn có thể thu thập thông tin tình báo 24/24h. Thế nhưng, Blake Herzinger, một chuyên gia về chính sách quốc phòng Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết mặc dù tốc độ chậm nhưng khinh khí cầu không phải lúc nào cũng dễ dàng bị phát hiện. “Chúng có tín hiệu thấp và lượng phát thải từ thấp đến 0 nên rất khó phát hiện bằng công nghệ giám sát hoặc nhận thức tình huống truyền thống”, ông Herzinger đánh giá.

Trong khi đó, theo ông Peter Layton, cựu quan chức không quân Úc và hiện làm việc cho Viện Griffith châu Á tại Úc, những tiến bộ gần đây trong việc thu nhỏ thiết bị điện tử có nghĩa là các nền tảng tình báo nổi có thể đang quay trở lại trong bộ công cụ gián điệp hiện đại.

“Trọng tải khinh khí cầu giờ đây có thể nhẹ hơn và do đó, khí cầu có thể nhỏ hơn, rẻ hơn và dễ phóng hơn so với vệ tinh”, ông Layton nhận định và cho biết khinh khí cầu có thể làm được những việc mà vệ tinh không thể. Theo ông Layton, hệ thống vệ tinh dễ dự đoán hơn về động lực quỹ đạo và một vệ tinh không thể lảng vảng mà cần có rất nhiều vệ tinh đi chéo qua một khu vực quan tâm để duy trì sự giám sát. Trong khi đó, lợi thế của khinh khí cầu là nó có thể được điều khiển bằng cách sử dụng máy tính trên máy bay để tận dụng sức gió và nó có thể lên xuống ở một mức độ hạn chế. Ðiều này có nghĩa khinh khi cầu có thể lảng vảng ở một mức độ nhất định. Ðặc biệt, dữ liệu tình báo do khinh khí cầu thu thập có thể được chuyển tiếp theo thời gian thực thông qua một liên kết vệ tinh quay trở lại Trung Quốc.

Ông Layton nhận định khinh khí cầu mới bị phát hiện của Trung Quốc được cho thu thập thông tin về hệ thống viễn thông và radar của Mỹ, bởi một số hệ thống này sử dụng tần số cực cao trong phạm vi ngắn, có thể bị khí quyển hấp thụ và là đường ngắm rất có định hướng. Cedric Leighton, đại tá về hưu của không quân Mỹ, cũng cho rằng khinh khí cầu của Trung Quốc có thể theo dõi lưu lượng điện thoại di động và vô tuyến tại Mỹ.

Lầu Năm Góc ngày 3-2 xác nhận một khinh khí cầu thứ hai của Trung Quốc được phát hiện đang bay qua khu vực Mỹ latinh. Đài ABC News trước đó cho biết có thông tin về một khinh khí cầu bay qua Colombia và Venezuela.

Chia sẻ bài viết