05/07/2020 - 09:30

Vì sao không nên làm việc trên giường ngủ? 

Vì lý do khách quan, nhiều người buộc phải xử lý công việc tại nhà thay vì đến công sở, chẳng hạn trong thời gian phòng tránh dịch COVID-19. Thay đổi này có thể mang lại cảm giác tự do hơn, nhưng vì thiếu không gian văn phòng chuyên dụng, nhiều người có xu hướng tranh thủ làm việc ngay trên giường ngủ, trước hoặc sau khi ngủ. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cảnh báo thói quen này có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc cũng như sức khỏe tổng thể.

Làm việc trên giường ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn năng suất lao động.

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất bạn không nên làm việc trên giường ngủ là vì nó không được thiết kế cho mục đích làm việc. Theo các chuyên gia Khoa Y học Giấc ngủ thuộc Ðại học Harvard (Mỹ), mọi người không nên làm việc tại nơi ngủ, nghỉ. Bởi để đảm bảo sự kết nối tinh thần lành mạnh giữa không gian phòng ngủ và giấc ngủ, chúng ta nhất thiết phải để các công cụ làm việc - như điện thoại di động hoặc máy tính xách tay - cách xa nơi nằm ngủ. Còn nếu cho rằng tranh thủ làm việc trên giường rồi lăn ra ngủ luôn cho tiện thì bạn càng sai lầm, vì khi đó tâm trí bạn khó mà liên tưởng phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi thoải mái để yên tâm chợp mắt. Lý do là khi bắt đầu lẫn lộn giữa nơi làm việc và nơi thư giãn, nhịp sinh học (hay đồng hồ sinh học) bình thường của cơ thể sẽ bị xáo trộn, khiến bạn có cảm giác như đang làm việc liên tục, điều này không tốt cho bộ não. 

Hơn nữa, làm việc khuya và sử dụng thiết bị điện tử trên giường ngủ cũng gây khó ngủ, do ánh sáng xanh từ các màn hình thiết bị khiến chúng ta càng thêm tỉnh táo - theo một nghiên cứu của Ðại học Haifa tại Israel. Nguyên nhân là loại ánh sáng này ngăn cơ thể tiết ra hoóc-môn kiểm soát chu kỳ ngủ/thức melatonin, vốn có tác dụng gây buồn ngủ.

Các chuyên gia Ðại học Harvard cho biết thêm, những hoạt động căng thẳng về thể chất và tâm lý còn khiến cơ thể tiết ra cortisol, hoóc-môn gây căng thẳng tinh thần và cũng làm tăng mức độ tỉnh táo, dẫn tới khó ngủ. Trong khi đó, thiếu ngủ trong thời gian dài được chứng minh có thể tổn hại đến năng suất lẫn chất lượng công việc. Ðơn cử, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Sleep hồi năm 2018 cho thấy mất ngủ là rối loạn giấc ngủ có tác động lớn nhất đến năng suất làm việc. Không chỉ vậy, ngủ không đủ giấc còn ảnh hưởng đến tâm trạng, khả năng phán đoán và sự tập trung - dễ dẫn bạn đến sai sót hoặc đưa ra quyết định tệ hại trong công việc lẫn đời sống.

Về sức khỏe thể chất, xử lý công việc trên giường ngủ dễ khiến chúng ta ngồi hoặc nằm sai tư thế, dẫn tới tình trạng đau nhiều phần cơ thể mà đặc biệt là tại lưng và cổ. Ngồi gù lưng suốt ngày trên giường với máy tính tất nhiên cũng là tư thế gây hại cơ thể.

Mặt khác, làm việc trên giường cũng khá mất vệ sinh, do bạn dễ bày bừa vật dụng và đôi khi tranh thủ ăn uống ngay trên giường. Trong một nghiên cứu của công ty chuyên về giường Amerisleep (Mỹ), các chuyên gia kiểm tra các vật dụng trên nệm và giường sau 4 tuần không giặt giũ và phát hiện rằng áo gối chứa lượng vi khuẩn nhiều gấp 39 lần so với tô đựng thức ăn cho thú cưng.

Do đó, để làm việc hiệu quả tại nhà, các chuyên gia khuyến nghị mọi người cần cố gắng thiết lập một góc làm việc riêng, tách biệt khỏi khu vực phòng ngủ, nơi ăn uống và giải trí. Một việc khác cần lưu ý là cố gắng duy trì thời gian thức/ngủ hợp lý, vì nếu thân thể và trí não không được nghỉ ngơi đầy đủ thì khả năng làm việc và hệ miễn dịch cũng sẽ yếu đi.

Trong trường hợp bất khả kháng vì nhà chật hẹp và thiếu không gian làm việc, hãy cài đặt thời điểm tắt máy tính để bảo đảm giờ giấc nghỉ ngơi, cố gắng dọn dẹp sổ sách ra khỏi giường ngủ ngay khi xử lý xong công việc và trước khi ngủ, nghỉ. Cuối cùng là nhớ dọn vệ sinh giường ngủ ít nhất 1 lần/tuần để bảo vệ sức khỏe.

AN NHIÊN (Theo TOI, Yahoo Finance)

Chia sẻ bài viết