03/02/2009 - 09:12

Vì sao bán đảo Triều Tiên “nóng” lên?

Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il (đi đầu) đến thăm một đơn vị quân đội.

Ngày 1-2, CHDCND Triều Tiên đã cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột quân sự toàn diện với Hàn Quốc. Tuyên bố trên được đưa ra hai ngày sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ hủy bỏ tất cả các thỏa thuận hòa bình và khôi phục chính sách đối ngoại thù địch với Seoul. Trong khi đó, các quan chức Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận hải quân của họ đang được đặt trong tình trạng báo động cao dọc theo vùng lãnh hải phía Tây và quân đội đã sẵn sàng cho mọi tình huống.

Từ khi hai miền Triều Tiên ký các văn bản cam kết không leo thang xung đột vào thập niên 1970 tới nay, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng chính thức tuyên bố hủy bỏ các thỏa thuận chính trị và quân sự. Xung đột trên bán đảo Triều Tiên từ sau cuộc chiến 1950-1953 trong thực tế chưa từng gián đoạn, bởi hai bên không nhất trí được về một hiệp ước hòa bình. Năm ngoái, CHDCND Triều Tiên có bước nhượng bộ khi đồng ý từ bỏ hoàn toàn các hoạt động hạt nhân, kể cả việc làm giàu uranium, để đổi lấy viện trợ kinh tế của các cường quốc, mà chủ yếu là từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ hồi tháng rồi sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố tiếp tục hoạt động hạt nhân và dọa sẽ dùng sức mạnh quân sự tiêu diệt chính quyền bảo thủ ở Seoul. Những thông tin mới đây cho biết Bình Nhưỡng đã dự trữ lượng plutonium đủ để chế tạo 4-5 quả bom nguyên tử và tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân nếu còn nhận thấy mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc. Ngày 2-2, người phát ngôn của Tổng Tham mưu trưởng quân đội CHDCND Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không giải trừ hạt nhân chừng nào Mỹ chưa giải trừ kho vũ khí hạt nhân đặt tại Hàn Quốc, động thái mà Washington nói rằng đã thực hiện từ năm 1991.

Các nhà phân tích cho rằng bán đảo Triều Tiên “nóng” lên một phần do chính sách đối ngoại cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Lên nắm quyền một năm trước, ông Lee Myung-bak đã đảo ngược gần như hoàn toàn “chính sách Ánh dương” nhằm tiến tới hòa hợp dân tộc với CHDCND Triều Tiên suốt 10 năm qua của các tổng thống tiền nhiệm. Theo họ, hiện tại cả hai bên đều không muốn xung đột quân sự và càng không muốn xảy ra chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ gây ra một số vụ đụng độ nhỏ lẻ ở biên giới để thể hiện lập trường cứng rắn của mình đối với Hàn Quốc. Những động thái leo thang của CHDCND Triều Tiên có thể là nhằm thu hút sự quan tâm của chính quyền mới ở Mỹ và tìm kiếm sự nhượng bộ từ Hàn Quốc. Và dường như CHDCND Triều Tiên đã đạt được một phần mục đích khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây nói rằng đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên) về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là cần thiết.

Song các nhà phân tích cũng cho rằng CHDCND Triều Tiên rất khó đạt được những mục tiêu chiến lược của mình ngay lúc này, bởi lẽ chính quyền mới của Mỹ còn mải bận tâm với những vấn đề kinh tế đau đầu cũng như hai cuộc chiến tốn hao quá nhiều sinh mạng và tiền của ở Iraq và Afghanistan đến nay vẫn chưa tìm ra lối thoát.

N.MINH (Theo AHN, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết